Trong xã hội hiện đại, thẻ tín dụng ngày càng trở thành phương tiện thanh toán phổ biến đối với nhiều người, đặc biệt là người trẻ. Không thể phủ nhận những lợi ích mà thẻ tín dụng mang lại cho người tiêu dùng, song, việc sử dụng không cẩn thận có thể gây ra những hậu quả không mong muốn. Vậy làm thế nào để có thể “làm chủ” thẻ tín dụng, cùng lưu tâm một số quy tắc “bất di bất dịch” dưới đây nhé!

Thẻ tín dụng là phương tiện thanh toán phổ biến
Nội dung bài viết
Thiết lập hạn mức thẻ không vượt quá 50% thu nhập
Ngày nay, hầu hết các ngân hàng áp dụng chính sách phát hành thẻ tín dụng không yêu cầu tài sản đảm bảo. Theo chính sách này, hạn mức tín dụng được cấp cho khách hàng dựa trên thu nhập của họ, thường là 2-3 lần thu nhập của khách hàng, và trong một số trường hợp, có ngân hàng thậm chí cấp hạn mức tín dụng lên đến 10 lần thu nhập bình quân hàng tháng của khách hàng.
Một số người cho rằng việc được cấp hạn mức tín dụng cao là một cách thể hiện đẳng cấp của họ. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính khuyến nghị rằng, để đảm bảo khả năng trả nợ đầy đủ và đều đặn, nên chỉ đăng ký hạn mức tín dụng tối đa không quá 50% thu nhập hàng tháng.
Nắm vững các điều khoản sử dụng thẻ
Hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ tín dụng bao gồm đơn đăng ký kèm theo bộ điều khoản và điều kiện của thẻ. Tuy nhiên, điều khoản và điều kiện này thường khá dài và nhiều người thường bỏ qua chúng, dẫn đến những tình huống khó đỡ vì không đọc và hiểu hết các điều khoản và điều kiện trong hợp đồng.

Hãy cố gắng tìm hiểu kỹ các thông tin cơ bản từ ngân hàng
Do đó, trước khi quyết định sử dụng thẻ tín dụng, nên cố gắng tìm hiểu kỹ các thông tin cơ bản từ ngân hàng để tránh mắc phải những rủi ro không đáng có. Ví dụ, một số thông tin quan trọng mà bạn không nên bỏ qua bao gồm điều kiện cấp tín dụng, các loại phí có thể phát sinh, ngày sao kê, thời hạn thanh toán nợ, điều khoản chậm thanh toán, và nguyên tắc tính toán lãi suất của thẻ tín dụng.
Thực hiện thanh toán đầy đủ và đúng hạn
Thẻ tín dụng thường có thời gian miễn lãi từ 30-45 ngày, tuy nhiên, số ngày miễn lãi phụ thuộc vào thời điểm giao dịch của bạn. Để tránh phát sinh lãi suất, nên thanh toán toàn bộ số dư cuối kỳ sao kê theo thông báo của ngân hàng. Nếu bạn không thể thanh toán hết, hãy đảm bảo thanh toán ít nhất số tiền tối thiểu yêu cầu để tránh phí phạt chậm thanh toán. Việc thanh toán trễ không chỉ tạo ra khoản phí mà còn ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng của bạn.
Tránh rút tiền mặt từ thẻ tín dụng
Thẻ tín dụng không nên được sử dụng để rút tiền mặt như thẻ ghi nợ. Thay vào đó, thẻ tín dụng nên được dùng để thanh toán cho các nhu cầu tiêu dùng mà không cần sử dụng tiền mặt. Rút tiền mặt từ thẻ tín dụng sẽ gây ra phí rút tiền cao, thường là khoảng 4%, và lãi suất sẽ được tính từ thời điểm rút tiền.
Bảo mật thông tin thẻ
Bảo mật thông tin trên thẻ tín dụng là rất quan trọng. Không nên để lộ thông tin thẻ và hạn chế việc tiết lộ mật khẩu thẻ cho người khác hoặc cho mượn thẻ. Thông tin thẻ có thể bị lộ khi thanh toán trực tuyến, rút tiền hoặc mua hàng tại các cửa hàng. Để tăng cường bảo mật, nên thay đổi mật khẩu thẻ định kỳ. Hãy đảm bảo an toàn khi giao dịch tại các điểm bán hàng, rút tiền từ ATM và mua hàng trực tuyến. Trong trường hợp thẻ bị mất, hãy liên hệ ngay với ngân hàng phát hành thẻ để khóa tài khoản và yêu cầu cấp lại thẻ mới.

Bảo mật thông tin trên thẻ tín dụng là rất quan trọng
Kiểm tra kỹ hóa đơn
Khi sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán, hãy kiểm tra kỹ hóa đơn để đảm bảo số tiền trừ trong thẻ là chính xác. Nhiều người thường không kiểm tra hóa đơn sau khi thanh toán, điều này có thể khiến bạn mất tiền mà không hay biết. Hãy tạo thói quen kiểm tra hóa đơn trước khi rời quầy thanh toán để đảm bảo số tiền trên hóa đơn và trong thẻ tín dụng là chính xác. Ngoài ra, bạn nên kiểm tra sao kê hàng tháng từ ngân hàng một cách cẩn thận. Nếu bạn phát hiện những khoản chi mà bạn không thực hiện, hãy liên hệ với ngân hàng để được hỗ trợ xử lý ngay lập tức.
Kiểm tra dư nợ thẻ thường xuyên
Một thói quen khác mà nhiều chủ thẻ bỏ qua là không kiểm tra số dư tín dụng thường xuyên. Đừng tin tưởng tuyệt đối vào ngân hàng hoặc cửa hàng nơi bạn thực hiện giao dịch. Hiện nay, hầu hết ứng dụng ngân hàng hỗ trợ dịch vụ thẻ, cho phép bạn kiểm soát dư nợ thẻ và phát hiện các giao dịch bất thường. Hãy tạo thói quen kiểm tra dư nợ thẻ thường xuyên để giữ được sự kiểm soát và phát hiện sớm những vấn đề có thể xảy ra.
Tận dụng ưu đãi từ thẻ tín dụng
Để thu hút và giữ chân khách hàng, các ngân hàng thường tung ra các chương trình khuyến mại, ưu đãi giảm giá, chiết khấu mua hàng trong nhiều lĩnh vực như thời trang, nhà hàng, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp và miễn phí thường niên năm tiếp theo dựa trên doanh số giao dịch. Tận dụng tối đa các chương trình khuyến mại này cũng là cách để tiết kiệm tiền. Trước khi quyết định mở thẻ tín dụng, hãy dành thời gian tìm hiểu các thông tin này từ các ngân hàng khác nhau để đưa ra quyết định chính xác.