Home Kiến thức đầu tư Thị trường – Lý thuyết Cung cầu và giá cả

Thị trường – Lý thuyết Cung cầu và giá cả

Trong bài viết này chúng ta sẽ xem xét cơ chế thị trường thông qua việc khảo sát sự vận hành của một thị trường hàng hóa riêng biệt. Đây là một khuôn mẫu phân tích tổng quát có thể áp dụng cho các thị trường khác nhau, dù đó là thị trường lúa, gạo hay thị trường xe máy; thị trường đầu ra như thị trường quần, áo hay thị trường đầu vào như thị trường máy dệt; thị trường hàng hóa hữu hình như thị trường máy tính hay thị trường dịch vụ như thị trường cắt tóc.

Dĩ nhiên, khi đề cập tới một thị trường chung, có ý nghĩa tổng quát, chúng ta sẽ xuất phát từ một loại thị trường đơn giản nhất: một thị trường có tính chất cạnh tranh, gồm nhiều người mua, người bán, không ai có khả năng chi phối giá cả hàng hóa. Cùng Giao Dịch Tài Chính xem xét các yếu tố cơ bản của thị trường như cầu, cung thể hiện như thế nào, tương tác với nhau ra sao để xác định mức giá cân bằng, và những yếu tố gì sẽ làm cho mức giá này thay đổi. Hiểu được những điều này là nền tảng quan trọng để nắm bắt những vấn đề phức tạp khác của nền kinh tế thị trường, người mua và người bán tiến hành sự trao đổi hàng hóa với nhau.

Thi truong cung cau va gia ca

I. Thị trường – Khái niệm và phân loại

1.Khái niệm

Thị trường là tập hợp các điều kiện và thỏa thuận mà thông qua đó người mua và người bán tiến hành sự trao đổi hàng hóa với nhau.

Chức năng của thị trường là trao đổi hàng hóa. Sự trao đổi này chỉ diễn ra được trong những điều kiện cụ thể, thông qua những ràng buộc, hay dàn xếp cụ thể mà những người tham gia phải tuân thủ. Có những điều kiện chung ràng buộc mọi thị trường. Song cũng có những điều kiện riêng chỉ liên quan đến những nhóm thị trường cụ thể.

Vì thế, ở một số thị trường, người ta vẫn trực tiếp gặp nhau để mua, bán hàng hóa. Song ở một số thị trường khác, sự mua bán hàng hóa chỉ diễn ra thông qua những người môi giới, hay trung gian (như ở thị trường chứng khoán, forex). Tại một số thị trường, người mua và người bán mặc cả với nhau về giá cả của từng loại hàng hóa, song ở một số thị trường khác, điều này lại không diễn ra. Như một tiến trình, dù thực hiện dưới phương thức nào, trên thị trường, người mua và người bán cũng luôn luôn tác động lẫn nhau để xác định giá cả và số lượng hàng hóa được trao đổi. Quá trình đó cũng là nội dung thực chất của thị trường.

Xem thêm: Thông tin sàn ASX Markets cụ thể và chi tiết

2. Phân loại thị trường

Phân loại thị trường theo nội dung hàng hóa

  • Thị trường hàng hóa tiêu dùng (thị trường đầu ra) : Các thị trường đầu ra lại có thể phân nhỏ thành vô số thị trường cụ thể như thị trường gạo, thị trường quần áo, thị trường ô tô, thị trường giáo dục.
  • Thị trường các yếu tố sản xuất (thị trường đầu vào). Các thị trường đầu vào có thể phân thành thị trường vốn hiện vật (máy móc, thiết bị, nhà xưởng v.v…), thị trường bất động sản, thị trường lao động v.v…

Phân loại thị trường theo không gian kinh tế mà theo đó các quan hệ trao đổi hàng hóa diễn ra:

  • Thị trường thế giới,
  • Thị trường khu vực,
  • Thị trường quốc gia,
  • Thị trường 50 vùng hay địa phương

Theo cấu trúc thị trường:

  • Thị trường cạnh tranh hoàn hảo (trên thị trường này, người mua hay người bán không có quyền lực chi phối giá cả hàng hóa)
  • Thị trường cạnh tranh không hoàn hảo (trên thị trường dạng này, người mua hay người bán riêng biệt, dù ít, dù nhiều vẫn có khả năng chi phối giá).

Xem thêm: Đánh giá sàn ASX markets có uy tín không?

II. Khái niệm về Cầu – Lý thuyết hành vi của người tiêu dùng

1. Các khái niệm

Cầu là số lượng hàng hóa hoặc dịch vụ mà tiêu dùng mong muốn và có khả năng mua tại các mức giá khác nhau trong một thời gian nhất định với giả định các nhân tố khác không đổi (ceteris paribus).

  • Lượng cầu: Là số lượng hàng hóa / dịch vụ mà người tiêu dùng muốn mua và có khả năng mua tại mỗi mức giá khác nhau trong một thời gian nhất định với giả định các nhân tố khác không đổi.
  • Nhu cầu: Là những nguyện vọng, mong ước vô hạn về hàng hóa / dịch vụ của con người. Sự khan hiếm làm cho hầu hết các nhu cầu không được thỏa mãn.
  • Cầu cá nhân: Là số lượng hàng hóa / dịch vụ mà một cá nhân mong muốn mua và có khả năng mua tại các mức giá khác nhau trong một thời gian nhất định với giả định các nhân tố khác không đổi.
  • Cầu thị trường: Là tổng cầu cá nhân ở các mức giá. Khi cộng lượng cầu cá nhân ở mỗi mức giá, chúng ta có lượng cầu thị trường tại mỗi mức giá.

Xem thêm: Các mẫu hình nến trong thị trường tài chính

2. Luật cầu

– Với giả định các nhân tố khác không đổi, số lượng hàng hóa hoặc dịch vụ được cầu trong một khoảng thời gian nhất định sẽ tăng lên khi giá giảm và ngược lại, sẽ giảm khi giá tăng.

– Như vậy, giá hàng hóa / dịch vụ và lượng cầu có quan hệ nghịch.

P↑  →  Qd

P ↓  → Q

3. Các công cụ biểu diễn cầu

3.1. Biểu cầu

Đó là một bảng số liệu gồm ít nhất 2 cột giá và lượng cầu, cho biết phản ứng của người tiêu dùng tại các mức giá khác nhau.

Bieu Cau

3.2 Đồ thị cầu

Đường cầu là đường dốc xuống từ trái qua phải thể hiện mối quan hệ tỉ lệ nghịch giữa giá và lượng cầu.

Do Thi Cau

Khi phần thay đổi trong các mức giá là một hằng và phần thay đổi ở các mức lượng cầu cũng là một hằng số thì đường cầu sẽ là một đường tuyến tính như đồ thị. Tuy nhiên, trong thực tế thì hiện tượng này hiếm khi xảy ra và đường cầu thường có dạng phi tuyến tính.

3.3 Hàm cầu

– Phương trình đường cầu dạng tuyến tính:

P = a + bQD hoặc QD = c + dP

(với a, b, c, d là hằng số; b, d <0)

Hàm cầu (Demand Function): là hàm số biểu thị mối quan hệ giữa lượng cầu với các biến số có ảnh hưởng đến lượng cầu: QD = f (Px, Py, I, T, E, N), trong đó: Px (price): giá của chính hàng hoá dịch vụ đó Py: giá của hàng hoá liên quan

  • I (income): thu nhập của người tiêu dùng
  • T (taste): thị hiếu
  • E (expectation): kỳ vọng của người mua.
  • N (number of buyers): số lượng người mua trên thị trường

Xem thêm: Nguyên tắc quản lý vốn trong Forex

4. Các nhân tố ảnh hưởng tới cầu

4.1. Giá hàng hoá dịch vụ

Giá hàng hoá dịch vụ ảnh hưởng đến lượng cầu theo luật cầu. Khi giá hàng hoá dịch vụ tăng lên, lượng cầu đối với hàng hoá dịch vụ giảm xuống và ngược lại.

4.2. Giá của hàng hoá liên quan

Có hai nhóm hàng hoá liên quan ảnh hưởng tới lượng cầu về hàng hoá đang được nghiên cứu là hàng hóa thay thế và hàng hóa bổ sung.

a) Hàng hoá thay thế: X và Y là hàng hoá thay thế khi việc sử dụng X có thể thay thế cho việc sử dụng Y nhưng vẫn giữ nguyên được mục đích sử dụng ban đầu.

VD: Bột giặt TIDE và OMO, dầu gội CLEAR và SUNSILK.

Gia cua hang hoa lien quan

b) Hàng hoá bổ sung: X, Y là hàng hoá bổ sung khi việc sử dụng X phải đi kèm với việc sử dụng Y để đảm bảo giá trị sử dụng của hai hàng hoá.

VD: Bếp gas và bình gas là hai hàng hóa bổ sung.

gia cua hang hoa lien quan 02

4.3. Thu nhập của người tiêu dùng

– Dựa vào ảnh hưởng của thu nhập tới lượng cầu về hàng hoá, Engel chia hàng hoá thành 2 loại:

+ Những hàng hoá mà khi thu nhập tăng, lượng cầu về hàng hoá tăng lên; khi thu nhập giảm, lượng cầu về hàng hoá giảm xuống được gọi là hàng hoá thông thường.

+ Những hàng hoá khi thu nhập tăng, lượng cầu về hàng hoá giảm xuống; khi thu nhập giảm xuống, lượng cầu về hàng hoá tăng lên được gọi là hàng hoá thứ cấp.

– Theo quy luật Engel: với mỗi mức thu nhập khác nhau, người tiêu dùng sẽ có quan niệm khác nhau về cùng một loại hàng hoá.

Quy Luat Engel Thu nhap nguoi tieu dung

4.4 Thị hiếu

– Thị hiếu là sở thích hay sự quan tâm của một nhóm người về loại hàng hoá dịch vụ nào đó mà có ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng của người tiêu dùng;

– Thị hiếu xác định chủng loại hàng hoá mà người tiêu dùng muốn mua;

– Thị hiếu phụ thuộc vào các nhân tố:

+ Tập quán tiêu dùng;

+ Tâm lý lứa tuổi;

+ Giới tính;

+ Tôn giáo;

+ Thị hiếu có thể thay đổi theo thời gian và chịu ảnh hưởng lớn của quảng cáo.

Xác định đúng thị hiếu người tiêu dùng, nhà sản xuất sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của họ, kích thích người tiêu dùng cầu nhiều hơn về sản phẩm mà hãng sản xuất ra.

Khi nhà sản xuất cung cấp tung ra sản phẩm đúng lúc thị hiếu về sản phẩm xuất hiện, tức là nhà cung cấp đáp ứng kịp thời thị hiếu của người tiêu dùng, thì lượng cầu về sản phẩm sẽ tăng cao.

4.5. Kỳ vọng của người tiêu dùng

– Kỳ vọng là những dự đoán của người tiêu dùng về diễn biến của thị trường trong tương lai có ảnh hưởng đến cầu hiện tại.

– Các loại kỳ vọng: kỳ vọng về giá hàng hoá, về thu nhập, về giá cả hàng hoá liên quan, về số lượng người mua hàng….

– Nếu các kỳ vọng thuận lợi đối với người tiêu dùng thì lượng cầu hiện tại sẽ giảm, đường cầu dịch chuyển sang trái và ngược lại.

4.6. Số lượng người tiêu dùng

Số lượng người mua cho thấy quy mô của thị trường. Thị trường càng nhiều người tiêu dùng thì cầu đối với hàng hoá, dịch vụ càng lớn. Thị trường càng ít người tiêu dùng thì cầu về hàng hoá, dịch vụ càng nhỏ.

* Lưu ý: Các nhân tố từ 4.1 đến 4.5 có ảnh hưởng đến cầu cá nhân và cầu thị trường, riêng nhân tố 4.6 số lượng người mua trên thị trường thì có ảnh hưởng đến cầu thị trường về hàng hoá dịch vụ.

5. Phân biệt sự di chuyển và dịch chuyển của đường cầu Sự di chuyển trên đường cầu:

Giá của hàng hóa hoặc dịch vụ đang nghiên cứu là nhân tố nội sinh. Khi giá thay đổi làm lượng cầu thay đổi tạo ra sự di chuyển (lên trên hoặc xuống dưới) của các điểm trên một đường cầu.

– Thu nhập, thị hiếu, kỳ vọng, số lượng người tiêu dùng, giá cả hàng hoá liên quan là nhân tố ngoại sinh gây ra sự dịch chuyển của đường cầu.

+ Nếu sự thay đổi của các nhân tố này làm lượng cầu tăng lên ở các mức giá thì đường cầu sẽ dịch chuyển sang phải. + Nếu sự thay đổi của các nhân tố này làm lượng cầu giảm xuống ở các mức giá thì đường cầu dịch chuyển sang trái.

Su di chuyen va dich chuyen cua duong cau

III. Khái niệm Cung – Lý thuyết hành vi của người sản xuất

1. Các khái niệm

Cung là số lượng hàng hóa/dịch vụ mà người bán có khả năng bán và sẵn sàng bán tại các mức giá khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định với giả định các nhân tố khác không đổi (ceteris paribus).

  • Lượng cung: Lượng hàng hoá dịch vụ mà người bán có khả năng bán và sẵn sàng bán ở mỗi mức giá khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định, giả định các nhân tố khác không đổi.
  • Cung cá nhân: Lượng hàng hoá dịch vụ mà một cá nhân có khả năng và sẵn sàng bán ở các mức giá khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định, giả định các nhân tố khác không đổi.

Cung thị trường bằng tổng cung cá nhân tại các mức giá, nó cho biết lượng hàng hoá dịch vụ mà tất cả những người bán trên thị trường có khả năng bán và sẵn sàng bán ở tất cả các mức giá khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định, giả định các nhân tố khác không đổi.

2. Luật cung

– Nội dung: Lượng hàng hoá được cung trong khoảng thời gian đã cho tăng lên khi giá của hàng hoá đó tăng lên và ngược lại (giả định các nhân tố khác không đổi). – Như vậy, giá hàng hóa / dịch vụ và lượng cung có quan hệ thuận.

P↑  →  Qs ↑

P ↓  → Qs 

3. Các công cụ biểu diễn cung

3.1. Biểu cung

Bieu Cung

3.2. Đồ thị cung

Đường cung là đường đi lên từ trái qua phải thể hiện mối quan hệ tỉ lệ thuận giữa giá và lượng cung.

Do Thi Cung

3.3 Hàm cung

– Phương trình đường cung tuyến tính:

P = a + bQS hoặc QS = c + dP (a, b, c, d là hằng số; b, d > 0)

– Hàm cung là hàm số phản ánh mối quan hệ giữa lượng cung với các biến số có ảnh hưởng đến lượng cung.

QS = f (Px, Pi, Te, G, E, N)

Trong đó:

  • Px là giá của chính hàng hóa, dịch vụ đó.
  • Pi: giá của các nhân tố đầu vào
  • Te (Technology): Công nghệ
  • G (Government’s policy): Chính sách của chính phủ
  • E (Expectations): Kỳ vọng của nhà sản xuất
  • N (Number of sellers): Số lượng người bán trên thị trường.

4. Các nhân tố ảnh hưởng tới cung

4.1. Giá hàng hoá, dịch vụ

Giá hàng hoá dịch vụ ảnh hưởng đến lượng cung theo luật cung. Khi giá hàng hoá dịch vụ tăng, người sản xuất sẽ sản xuất nhiều hàng hoá hơn để tung ra thị trường nhằm thu lại nhiều lợi nhuận hơn và ngược lại.

4.2. Giá các yếu tố sản xuất

Giá của các yếu tố sản xuất tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất và do đó ảnh hưởng đến lượng hàng hoá mà người sản xuất muốn bán.

Cac nhan to anh huong toi cung 01

4.3. Chính sách của chính phủ

Các chính sách của chính phủ như chính sách pháp luật, chính sách thuế và chính sách trợ cấp đều có tác động mạnh mẽ đến lượng cung. Khi chính sách của chính phủ mang lại sự thuận lợi cho người sản xuất, người sản xuất được khuyến khích sản xuất khiến lượng cung tăng và đường cung dịch chuyển sang phải và ngược lại.

cac nhan to anh huong toi cung 02

4.4. Công nghệ

Công nghệ là yếu tố quan trọng trong sự thành bại của bất kỳ một DN nào. Công nghệ sản xuất có ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng hàng hoá sản xuất ra.

cac nhan to anh huong toi cung 03

4.5. Các kỳ vọng của người bán

Kỳ vọng là những dự đoán, dự báo của người sản xuất về những diễn biến thị trường trong tương lai ảnh hưởng đến cung hiện tại. Nếu các kỳ vọng thuận lợi đối với người bán thì lượng cung hiện tại sẽ giảm, đường cung dịch chuyển sang trái và ngược lại.

4.6. Số lượng người bán trên thị trường

Số lượng người bán có ảnh hưởng trực tiếp đến số hàng hoá bán ra trên thị trường. Khi có nhiều người bán, lượng cung hàng hoá tăng lên khiến đường cung hàng hoá dịch chuyển sang phải và ngược lại.

5. Phân biệt sự di chuyển và dịch chuyển của đường cung

– Giá hàng hoá dịch vụ là nhân tố nội sinh. Khi giá hàng hóa dịch vụ thay đổi sẽ gây ra sự di chuyển dọc theo đường cung (di chuyển lên trên hoặc xuống dưới).

– Các nhân tố khác như giá các yếu tố đầu vào, chính sách của chính phủ, công nghệ, số lượng người sản xuất, các kỳ vong là các nhân tố ngoại sinh. Sự thay đổi của các nhân tố này sẽ gây ra sự dịch chuyển của đường cung (dịch chuyển sang trái hoặc sang phải).

su di chuyen va dich chuyen cua duong Cung

IV. Cân bằng cầu cung thị trường

1. Cân bằng thị trường

Cân bằng thị trường là trạng thái mà tại đó cung vừa đủ thoả mãn cầu, do đó mà không có sức ép làm thay đổi giá. Tại mức giá này, chúng ta có lượng cung và lượng cầu bằng nhau. Khi đó, điểm giao nhau giữa đường cung và đường cầu là điểm cân bằng và lượng cung và lượng cầu tại mức giá này là lượng cân bằng.

Nguyên lý cung – cầu, hay quy luật cung cầu, phát biểu rằng thông qua sự điều chỉnh của thị trường, một mức giá cân bằng (còn gọi là mức giá thị trường) và một lượng giao dịch hàng cân bằng sẽ được xác định. Mức giá và lượng hàng đó tương ứng với giao điểm của đường cung và đường cầu. Trạng thái cân bằng của một mặt hàng như thế gọi là cân bằng bộ phận. Khi đạt trạng thái cân bằng của cùng lúc tất cả các mặt hàng, kinh tế học gọi đó là cân bằng tổng thể hay cân bằng chung. Ở trạng thái cân bằng, sẽ không có dư cung (lượng cung lớn hơn lượng cầu) hay dư cầu (lượng cầu lớn hơn lượng cung).

Bốn nguyên lý cơ bản về cung và cầu:

  • Nếu nhu cầu tăng (đường cầu thay đổi về bên phải) và nguồn cung vẫn không đổi, thì tình trạng thiếu hụt xảy ra, dẫn đến giá cân bằng cao hơn.
  • Nếu nhu cầu giảm (đường cầu dịch chuyển về bên trái) và nguồn cung vẫn không đổi, thì thặng dư xảy ra, dẫn đến giá cân bằng thấp hơn.
  • Nếu cầu vẫn không thay đổi và cung tăng (đường cung dịch chuyển về bên phải), thì thặng dư xảy ra, dẫn đến giá cân bằng thấp hơn.
  • Nếu cầu vẫn không thay đổi và cung giảm (đường cung dịch chuyển về bên trái), thì tình trạng thiếu hụt xảy ra, dẫn đến giá cân bằng cao hơn.

Chúng ta có thể xác định điểm cân bằng theo 3 phương pháp sau:

Cách 1: Dựa vào biểu cung và biểu cầu

Xac dinh can bang cung cau thi truong 01

Cách 2: Dựa vào đồ thị đường cung cầu

Xac dinh can bang cung cau thi truong 02

Cách 3: Dựa vào phương trình đường cung và phương trình đường cầu (đây là phương pháp thường được sử dụng nhất)

Xac dinh can bang cung cau thi truong 03

Sự thay đổi trạng thái cân bằng

Cân bằng được hiểu là trạng thái ổn định. Nhưng điểm cân bằng cầu cung không phải là bất biến. Khi có một nhân tố trong hàm cầu hoặc hàm cung thay đổi khiến đường cầu hoặc đường cung dịch chuyển hoặc khi cả đường cung và đường cầu đều dịch chuyển thì ta có điểm cân bằng mới, giá cân bằng mới và lượng cân bằng mới.

Từ đó ta có 3 cách xác định trạng thái cân bằng mới:

– Xác định xem đường cầu hoặc đường cung hoặc cả đường cầu và đường cung sẽ dịch chuyển;

– Xác định xem đường cầu hoặc đường cung dịch chuyển sang phải hay sang trái;

– Xác định xem sự dịch chuyển này tác động đến giá và lượng cân bằng như thế nào.

Trường hợp 1: Cầu cố định, cung dịch chuyển ⇒ điểm cân bằng di chuyển trên đường cầu

– Khi cung dịch chuyển sang phải PE ↓ QE ↑

– Khi cung dịch chuyển sang trái PE ↑ QE ↓

Trường hợp 2: Cung cố định, cầu dịch chuyển ⇒ điểm cân bằng di chuyển trên đường cung

– Khi cầu dịch chuyển sang phải PE ↑ QE ↑

– Khi cầu dịch chuyển sang trái PE ↓ QE ↓

Trường hợp 3: Cả cung và cầu đều dịch chuyển (có 12 tình huống)

– Khi cung dịch chuyển sang phải, cầu dịch chuyển sang phải

  • Tình huống 1: Tốc độ thay đổi của cung lớn hơn tốc độ thay đổi của cầu: PE ↓ > QE ↑
  • Tình huống 2: Tốc độ thay đổi của cầu lớn hơn tốc độ thay đổi của cung: PE ↑ < QE ↑
  • Tình huống 3: Tốc độ thay đổi của cung bằng tốc độ thay đổi của cầu: PE không đổi QE ↑.

– Khi cung dịch chuyển sang phải, cầu dịch chuyển sang trái (3 tình huống tương tự)

– Khi cung dịch chuyển sang trái, cầu dịch chuyển sang phải (3 tình huống tương tự)

– Khi cung dịch chuyển sang trái, cầu dịch chuyển sang trái (3 tình huống tương tự)

Kết luận: Khi cả cung và cầu đều dịch chuyển, sự thay đổi giá và lượng cân bằng phụ thuộc vào tốc độ thay đổi của cung và cầu.

Xem thêm: Độ co giãn của cầu theo giá

2. Trạng thái dư thừa và thiếu hụt

2.1. Trạng thái dư thừa (dư cung)

Bất kỳ một yếu tố nào tác động đến cung và cầu cũng có thể gây ra sự thay đổi trong giá cân bằng. Khi thị trường chưa kịp điều tiết hoặc không điều tiết được (do có sự can thiệp của chính phủ) thì trạng thái dư thừa hoặc thiếu hụt sẽ xảy ra.

Dư thừa sẽ xuất hiện khi mức giá trên thị trường P1 lớn hơn giá cân bằng PE.

Khi mức giá trên thị trường lớn hơn mức giá cân bằng dẫn tới lượng cung lớn hơn lượng cầu (QS > QD) gây nên trạng thái dư thừa.

Dư thừa còn gọi là thặng dư của cung, tức là lượng cung lớn hơn lượng cầu tại một mức giá mà mức giá đó lớn hơn mức giá cân bằng.

Trang thai du thua Du Cung

2.2. Trạng thái thiếu hụt (dư cầu)

Thiếu hụt sẽ xuất hiện khi mức giá trên thị trường P2 nhỏ hơn giá cân bằng PE.

Khi mức giá trên thị trường nhỏ hơn mức giá cân bằng dẫn tới lượng cầu lớn hơn lượng cung (QD> QS) gây nên trạng thái thiếu hụt.

Thiếu hụt còn gọi là thặng dư của cầu, tức là lượng cầu lớn hơn lượng cung tại một mức giá mà mức giá đó nhỏ hơn mức giá cân bằng.

Trang thai thieu hut du Cau

2.3. Cơ chế tự điều tiết của thị trường

Bất cứ khi nào xuất hiện hiện tượng dư thừa hay thiếu hụt thì cả người mua và người bán sẽ điều chỉnh hành vi đi theo lợi ích riêng của mình và kết quả là thị trường đạt trạng thái cân bằng. Đây chính là cơ chế “bàn tay vô hình” – cơ chế tự điều tiết của nền kinh tế thị trường. Xu hướng chung của thị trường là dư thừa kéo giá xuống, thiếu hụt đẩy giá lên.

Khi dư thừa, người bán tự động giảm giá để giải phóng số hàng ế thừa. Ngược lại, khi thiếu hụt, người bán tự động tăng giá.

Xem thêm: Bản chất của kế toán

3. Kiểm soát giá

Trong nhiều trường hợp, khi giá cân bằng được hình thành từ quan hệ cung cầu trên thị trường tự do, mức giá có thể quá thấp đối với nhà sản xuất hàng hóa hoặc quá cao cho người tiêu dùng. Khi đó, chính phủ sẽ can thiệp vào thị trường bằng việc quy định giá trần hoặc giá sàn để bảo vệ quyền lợi của người sản xuất hoặc người tiêu dùng.

Có hai loại giá chính phủ đưa ra là giá trần và giá sàn.

3.1. Giá sàn

Giá sàn là mức giá thấp nhất được phép lưu hành trên thị trường. Chính phủ sẽ quy định mọi mức giá thấp hơn giá sàn là bất hợp pháp (thường được gọi là bán phá giá).

– Để giá sàn có hiệu lực thì giá sàn phải lớn hơn mức giá cân bằng trên thị trường.

– Mục đích của việc đặt giá sàn của chính phủ là bảo vệ người sản xuất.

– Giá sàn gây ra tình trạng dư thừa trên thị trường. Biện pháp khắc phục tình trạng này là chính phủ mua vào toàn bộ lượng dư thừa.

Khi định ra giá sàn về một loại hàng hoá, nhà nước muốn bảo vệ lợi ích của những người cung ứng hàng hoá. Khi nhà nước cho rằng mức giá cân bằng trên thị trường là thấp, nhà nước có thể quy định một mức giá sàn – với tính cách là một mức giá tối thiểu mà các bên giao dịch phải tuân thủ – cao hơn. Khi không được mua, bán hàng hoá với mức giá thấp hơn giá sàn, trong trường hợp này, những người bán hàng hoá dường như sẽ có lợi.

Nhờ việc kiếm soát giá của nhà nước, họ có khả năng bán hàng hoá với mức giá cao hơn giá cân bằng thị trường. Một biểu hiện của việc định giá sàn là chính sách tiền lương tối thiểu. Khi quy định mức lương tối thiểu cao hơn mức lương cân bằng trên thị trường (và chỉ trong trường hợp này, chính sách giá sàn mới có ý nghĩa), nhà nước kỳ vọng rằng những người lao động sẽ khấm khá hơn, nhờ có được mức lương cao hơn.

Tìm hiểu thêm: Phân biệt lợi ích và tổng lợi ích

3.2. Giá trần

Giá trần là mức giá cao nhất được phép lưu hành trên thị trường. Chính phủ quy định mọi mức giá cao hơn giá trần là bất hợp pháp.

– Để giá trần có hiệu lực thì giá trần nhỏ hơn mức giá cân bằng trên thị trường.

– Mục đích của việc đặt giá trần của chính phủ: để bảo vệ người tiêu dùng. Khi đặt mức giá trần, người sản xuất không được đặt giá cao hơn mức giá trần đó.

– Giá trần gây ra tình trạng thiếu hụt trên thị trường. Biện pháp để khắc phục tình trạng này là chính phủ cung cấp toàn bộ lượng thiếu hụt của thị trường.

Khi thiết lập mức giá trần, mục tiêu của nhà nước là bảo vệ những người tiêu dùng. Khi mức giá cân bằng trên thị trường được xem là quá cao, bằng việc đưa ra mức giá trần thấp hơn, nhà nước hy vọng rằng, những người tiêu dùng có khả năng mua được hàng hoá với giá thấp và điều này được coi là có ý nghĩa xã hội to lớn khi những người có thu nhập thấp vẫn có khả năng tiếp cận được các hàng hoá quan trọng. Chính sách giá trần thường được áp dụng trên một số thị trường như thị trường nhà ở, thị trường vốn…

—Nguồn tham khảo: Wikipedia, Kinh tế vi mô (Bộ GD-ĐT, ĐH Kinh Tế, ĐH Ngoại Thương), Samuelson & Nordhaus (Kinh  tế học 1995)
Mankiw GS KTH ĐH harvard (Nguyên lý kinh tế).

4.6 19 votes
Article Rating

Bài Viết Liên Quan

Theo dõi
Nhận thông báo
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments

Contact Us

DMCA.com Protection Status