Home Kiến thức đầu tư Giới thiệu về nguyên lý sóng Elliott

Giới thiệu về nguyên lý sóng Elliott

Nguyên lý sóng Elliott là một hình thức của phân tích kỹ thuật mà một số nhà đầu tư sử dụng để phân tích các chu kỳ thị trường tài chính và dự báo các xu hướng thị trường bằng cách xác định các thái cực trong tâm lý nhà đầu tư, các mức cao và thấp trong giá và các yếu tố tập thể (theo Wikipedia). Đây là một trong những học phần khó của nền tảng phân tích kỹ thuật, hiểu và áp dụng được nguyên lý sóng Elliott giúp chúng ta hiểu được rất rất nhiều vấn đề, không chỉ áp dụng trong phân tích kỹ thuật trên thị trường tài chính mà còn giúp chúng ta hiểu được nhiều chu kỳ, hay góc độ phát triển của cả nền kinh tế – xã hội, hoặc nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống. Cuốn sách Elliott Wave Principle được Robert Prechter biên soạn năm 1978 được xem là kinh điển và nền tảng về lý thuyết sóng Elliott. Không ai nghiên cứu về Sóng Elliott mà không đọc qua cuốn sách này. Robert Prechter đã sáng lập nên công ty hàng đầu chuyên về sóng Elliott là Elliott Wave International (EWI) có địa chỉ www.elliottwave.com.

Vào những năm 1930, R.N Elliott đã phát hiện thấy chuyển động giá tuân theo một mẫu hình nhất định mà ông gọi đó là sóng. Elliott gọi các đặc điểm của mẫu hình này là Nguyên lý Sóng. Mỗi sóng đều có một điểm bắt đầu và một điểm kết thúc về cả giá lẫn thời gian. Mẫu hình sóng là liên tục nên điểm kết thúc của sóng này là điểm khởi đầu của sóng tiếp theo. Mẫu hình sóng cơ bản bao gồm năm sóng riêng biệt được liên kết lại với nhau và được hình thành khi giá có xu hướng tăng hoặc giảm.

Nguyen ly song Elliott

Mẫu hình sóng cơ bản

Chuỗi năm sóng được đánh nhãn bằng các con số từ 1 đến 5, được gọi là sóng chuyển động (motive wave) vì nó đẩy thị trường đi theo hướng của xu hướng chính. Các sóng con bên trong là 1,3,5 cung được gọi là sóng chuyển động. Các sóng con 2,4 được gọi là sóng hiệu chỉnh vì chúng làm gián đoạn xu hướng chính và di chuyển ngược hướng xu hướng chính.

Hai quy tắc chi phối các sóng chuyển động là:

  • Sóng 2 không bao giờ được vượt quá điểm khởi đầu của sóng 1
  • Sóng 3 không bao giờ là sóng ngắn nhất (mặc dù nó không cần thiết là sóng dài nhất)

Sau khi chuỗi năm sóng hoàn tất, sóng hiệu chỉnh bắt đầu diễn ra. Sóng hiệu chỉnh là sự thoái lui so với các sóng chuyển động. Sóng hiệu chỉnh diễn ra theo chuỗi gồm 3 sóng hoặc các dạng kết hợp của cấu trúc 3 sóng. Sóng hiệu chỉnh được đánh nhãn bằng chữ cái, thường là A, B, C.

Nguyen li song elliott - song hieu chinh

Sóng hiệu chỉnh – Nguyên lý sóng Elliott

Tất cả các sóng là một phần của sóng khác ở cấp độ lớn hơn. Các sóng ở cấp độ lớn hơn được chia thành các cấp độ sóng nhỏ hơn. Các sóng đẩy mà sóng hiệu chỉnh có thể tăng giá hoặc giảm giá.

chu ky song elliott hoan chinh

I. Các sóng chuyển động

Có hai loại sóng chuyển động là

  • SÓNG ĐẨY (IMPULSE)
  • SÓNG CHÉO (Diagonal)

1. Sóng đẩy là dạng mạnh nhất của sóng chuyển động và tuân theo 3 quy tắc sau:

  • Sóng 2 không bao giờ được vượt qua điểm khởi đầu của sóng 1
  • Sóng 3 không bao giờ là sóng ngắn nhất
  • Sóng 4 không bao giờ được phép vi phạm vào vùng giá của sóng 1

Trong sóng đẩy, sóng 1 và sóng 5 có thể diễn ra hai dạng của sóng chuyển động (sóng đẩy hoặc sóng chéo), trong khi sóng 3 luôn là sóng đẩy. Sóng 2 và sóng 4 là sóng hiệu chỉnh. Do đó chúng ta gọi cấu trúc sóng đẩy bên trong là: 5-3-5-3-5

Sóng mở rộng: Trong một sóng đẩy, thường sóng 3 hoặc sóng 5 là sóng mở rộng. Sóng mở rộng là sóng đẩy bị kéo dài, trong đó sóng con của nó (ở cấp độ sóng nhỏ hơn kế tiếp) lại có chiều dài bằng hoặc lớn hơn chiều dài sóng đẩy không mở rộng (có cùng cấp độ sóng với sóng đẩy kéo dài).

song mo rong

Sóng mở rộng

Sóng cụt: Trong sóng đẩy, sóng cụt thường xảy ra khi sóng 5 thất bại kết thúc cao hơn điểm kết thúc của sóng 3. Sóng 5 cụt thường thể hiện cấu trúc 5 sóng. Sóng 5 cụt là dấu hiệu cho thấy sự kiệt sức của xu hướng chính ở cấp độ sóng lớn hơn, thường được báo trước bởi sự mở rộng cực mạnh của sóng 3 cùng cấp độ sóng. Sóng 5 cụt thường được theo sau bởi sự đảo ngược giá nhanh và mạnh.

Song cut

Sóng cụt

2. Sóng chéo: Mặc dù sóng chéo và sóng đẩy đều là sóng chuyển động, nhưng sóng chéo có điểm khác biệt lớn so với sóng đẩy, trong đó chúng chỉ tuân theo 2 quy tắc đếm sóng đầu tiên nhưng không tuân thủ quy tắc thứ 3 (Là sóng 4 không bao giờ được phép vi phạm vào vùng giá của sóng 1). Thực sự trong sóng chéo, sóng 4 luôn vi phạm vào vùng giá của sóng 1.

Sóng chéo thường thu hẹp nhưng cũng có thể mở rộng (Nhưng hiếm khi xảy ra). Có 2 loại sóng chéo thu hẹp là sóng chéo khởi đầu và sóng chéo kết thúc (ending diagonal), trong đó sóng chéo kết thúc phổ biến hơn. Sóng chéo có thể thường chỉ xuất hiện ở sóng đẩy 5 hoặc sóng C của sóng hiệu chỉnh dạng zigzag và dạng phẳng.

Song cheo ket thuc

Sóng 5 là sóng chéo thu hẹp, được định hình bởi 2 đường xu hướng hội tụ, sóng chéo giống dạng nêm.

Một đường xu hướng liến kết các điểm kết thúc của sóng 1 và sóng 3 và một đường xu hướng khác liên kết các điểm kết thúc sóng 2 và sóng 4. Sóng 5 có thể nằm ngay hoặc ngay trên hoặc bên dưới 1 chút so với đường xu hướng 1 3. Trường hợp sóng 5 vượt qua đường xu hướng 1 -3 nhưng sau đó đảo chiều được gọi là phá vỡ giả (throw-over).

Sự điều chỉnh nhanh và mạnh thường đưa giá trở về ít nhất là nơi bắt đầu sóng chéo và thậm chí xa hơn nữa. Sự đảo ngược thường xảy ra trong khoảng thời gian bằng 1/3 đến 1/2 thời gian hình thành sóng chéo.

II. Sóng hiệu chỉnh

Trên các thị trường, chúng ta thường nghe: Không có chuyển động giá nào xảy ra theo đường thẳng. Mô hình sóng Elliott đúng với điều này. Xu hướng thị trường thường bị gián đoạn. Trong thuật ngữ Elliott chúng ta gọi những lần gián đoạn này là các sóng hiệu chỉnh.

Sóng hiệu chỉnh có thể xảy ra nhanh hoặc đi ngang.

  • Một sóng hiệu chỉnh nhanh thường có độ dốc tương đối lớn  và thường sóng đầu tiên trong sóng hiệu chỉnh không bao giờ tạo đáy mới.
  • Sóng hiệu chỉnh đi ngang gần như nằm ngang và trước khi kết thúc, nó thường thiết lập đáy mới ở sóng hiệu chỉnh đầu tiên.
  • Tất cả các sóng hiệu chỉnh có mức độ thoái lui nhất định so với sóng đẩy trước đó có cùng cấp độ sóng. Các sóng hiệu chỉnh có nhiều dạng, do đó nhà giao dịch cảm thấy rất khó khăn trong việc nhận diện mẫu hình sóng hiệu chỉnh trong khi giao dịch theo dữ liễu thực và khi nào sóng hiệu chỉnh kết thúc.
  • Có 3 loại sóng hiệu chỉnh cơ bản là: Zig Zag, phẳng (Flat) và tam giác (Triangle).  Các nhà phân tích sóng Elliott thường sử dụng từ “ba sóng” như một danh từ, mang ý nghĩa mẫu hình sóng hiệu chỉnh. Khi có hai hoặc nhiều sóng hiệu chỉnh liên kết với nhau tạo thành các sóng hiệu chỉnh đi ngang, chúng gọi là sóng hiệu chỉnh kết hợp (Combination).

Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu sâu 4 loại sóng hiệu chỉnh này:

1. Sóng hiệu chỉnh dạng Zig Zag:

Zigzag là một dạng sóng hiệu chỉnh nhanh gồm 3 sóng được đánh nhãn A-B-C. Sóng A luôn là sóng đẩy hoặc sóng chéo khởi đầu, sóng C luôn là sóng đẩy hoặc sóng chéo kết thúc. Sóng B là sóng hiệu chỉnh (có thể là Zigzag, phẳng hoặc tam giác, hoặc kết hợp,…) Do đố chúng ta gọi cấu trúc bên trọng sóng zigzag là 5-3-5.

Song hieu chinh zigzag

Trong sóng Zigzag sóng B không bao giờ vượt qua điểm khởi đầu sóng A, và sóng C gần như luôn vượt qua điểm kết thúc sóng A. Nếu sóng C không vượt qua điểm kết thúc của sóng A nó được gọi là sóng C cụt.

Sóng hiệu chỉnh Zigzag có thể xuất hiện 1 lần, 2 lần hoặc 3 lần sóng zigzag. Bất cứ khi nào có nhiều hơn một sóng zigzag thường sẽ có một dạng sóng hiệu chỉnh khác để liên kết các sóng zigzag lại với nhau. Trường hợp sóng zigzag đôi (double zigzag), sóng zigzag đầu tiên được đánh nhãn là W, sóng zigzag thứ 2 được đánh nhãn là Y và 2 sóng hiệu chỉnh này được nối với nhau bởi 1 sóng hiệu chỉnh khác được đánh nhãn là X. Sóng X luôn ngược sóng W.

Song hieu chinh double zigzag

Sóng hiệu chỉnh Double Zigzag

2. Sóng hiệu chỉnh dạng phẳng (Flat wave)

Sóng phẳng là một dạng sóng điều chỉnh nằm ngang, gồm 3 sóng được đánh nhãn A-B-C. Sóng A và sóng B luốn là sóng hiệu chỉnh, sóng C là sóng chuyển động. Do đó ta có cấu trúc bên trong sóng phẳng là 3 – 3- 5.

Trong sóng phẳng, sóng A và sóng B không bao giờ xuất hiện dạng tam giác và hiểm khi xuất hiện dạng sóng phẳng. Sóng B thường thoái lui đến 90% sóng A. Có 3 loại sóng phẳng: Dạng bình thường (regular), dạng bất bình thường (expanded) và dạng liên tục (running). Loai phổ biến nhất là dạng bất bình thường. Sóng phẳng liên tục tương đối hiếm.

Trong sóng dạng phẳng, sóng B kết thúc tại mức giá bắt đầu của sóng A và sóng C kết thúc gần với điểm kết thúc của sóng A.

Song phang trong thi truong gia len

Sóng hiệu chỉnh dạng phẳng trong thị trường giá lên

Song phang trong thi truong gia xuong

Sóng hiệu chỉnh dạng phẳng trong thị trường giá xuống

Trong sóng phẳng bất bình thường, sóng B kết thúc vượt quá điểm bắt đầu sóng A và sóng C kết thúc vượt quá điểm kết thúc của sóng A.

3.Sóng hiệu chỉnh dạng tam giác

Sóng tam giác là dạng sóng hiệu chỉnh đi ngang với các sóng con được đánh nhãn là A-B-C-D-E. Trong hầu hết các trường hợp, tất cả sóng con của sóng tam giác đều có dạng zigzag hoặc nhiều zigzag kết hợp lại. Do đó chúng ta gọi cấu trúc sóng bên trong của sóng tam giác là 3- 3-3-3-3. Đôi khi một trong các con sóng bên trong sẽ có dạng tam giác và điều này thường xuất hiện ở sóng E. (Nghĩa là một sóng tam giác bên trong sóng tam giác).

3 loại sóng tam giác là: hội tụ (contracting), rào chắn (barrier) và mở rộng (expanding).

3 dạng sóng hiệu chỉnh tam giác

3 dạng sóng tam giác Elliott

Trong sóng tam giác, đường xu hướng nối các điểm kết thúc sóng A và C được gọi là đường xu hướng A- C, đường xu hướng nối các điểm kết thúc sóng B-D gọi là đường xu hướng B-D. Sóng E có thể chạm vào hoặc vượt qua cả đường xu hướng A- C.

Trong sóng tam giác hội tụ, và các dạng sóng khác của mẫu hình sóng Elliott, điểm E không nhất thiết phải chạm vào đường xu hướng A-C. Đây là điểm khác biệt quan trọng so với mẫu hình tam giác thông thường.

4. Sóng hiệu chỉnh kết hợp

Sóng hiệu chỉnh kết hợp là mẫu hình hiệu chỉnh đi ngang bao gồm hai hay nhiều sóng hiệu chỉnh. Cấu trúc bộ 3 sóng thường ít xuất hiện. Mỗi dạng sóng hiệu chỉnh được liên kết với nhau bằng sóng nối X. Sóng nối X có đặc điểm:

  • Có thể là bất cứ dạng sóng hiệu chỉnh nào
  • Luôn di chuyển ngược lại với mẫu hình sóng hiệu chỉnh trước đó
  • Thường có dạng Zig Zag.

Không bao giờ xuất hiện nhiều hơn một sóng tam giác bên trong sóng kết hợp, Khi một sóng tam giác xuất hiện,đó thường là cấu trúc sóng hiệu chỉnh cuối cùng trong sóng hiệu chỉnh kết hợp.

Song hieu chinh ket hop

Sóng hiệu chỉnh kết hợp: Hình 1: Phẳng – Zigzag – Tam giác. Hình 2: Phẳng – Zigzag – zigzag

Như vậy chúng ta vừa tìm hiểu khái quát những kiến thức cơ bản nhất của nguyên lý sóng Elliott. Nếu đây là lần đọc đầu tiên của bạn sẽ cảm thấy rất khó hiểu với những thuật ngữ mới, và một sự trừu tượng. Nhưng sau khi tiếp xúc nhiều lần với đồ thị phân tích kỹ thuật và quay trở lại tìm hiểu, bạn sẽ hiểu dần dần. Sẽ mất nhiều năm nghiên cứu và ứng dụng nguyên lý này. Trong phần tiếp theo chúng ta sẽ nghiên cứu phần tiếp theo của bài hôm nay, đó là: “Hướng dẫn giao dịch theo sóng Elliott”ứng dụng Fibonacci trong phân tích kỹ thuật. Các bạn chú ý theo dõi và tìm hiểu. Nếu có bất cứ thắc mắc gì vui lòng đắt câu hỏi dưới comment hoặc liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ.

5 2 votes
Article Rating

Bài Viết Liên Quan

Theo dõi
Nhận thông báo
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments

Contact Us

DMCA.com Protection Status