Mục Lục
Kinh tế học vĩ mô (Macroeconomic) là một phân ngành của kinh tế học chuyên nghiên cứu về đặc điểm, cấu trúc và hành vi của cả một nền kinh tế nói chung. Kinh tế học vĩ mô và kinh tế học vi mô là hai lĩnh vực chung nhất của kinh tế học. Trong khi kinh tế học vi mô chủ yếu nghiên cứu về hành vi của các cá thể đơn lẻ, như công ty và cá nhân người tiêu dùng, kinh tế học vĩ mô lại nghiên cứu các chỉ tiêu cộng hưởng như GDP, tỉ lệ thất nghiệp, và các chỉ số giá cả để hiểu cách hoạt động của cả nền kinh tế.
Hệ thống kinh tế vĩ mô
Được đặc trưng bởi 3 yếu tố: Đầu vào, đầu ra và hộp đen kinh tế vĩ mô
Đầu vào: Bao gồm các yếu tố tác động đến hiệu quả hoạt động của nền kinh tế, được chia thành:
- Yếu tố ngoại sinh: Có khả năng tác động đến hoạt động kinh tế của một quốc gia, nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ (Ví dụ: Thời tiết, chính trị, dân số, thành tự khoa học công nghệ).
- Yếu tố nội sinh: Có khả năng tác động đến hoạt động kinh tế của một quốc gia và nằm trong sự kiểm soát của chính phủ (Ví dụ: Các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế, các biện pháp chính sách điều tiết kinh tế, các chính sách tài khóa, tiền tệ, kinh tế đối ngoại,…)
Hộp đen kinh tế vĩ mô: Bao gồm 2 yếu tố là tổng cầu (AD – Aggregate Demand) và Tổng cung (AS – Aggregate Supply). Sự tác động qua lại giữa AD và AS chính là sự vận động của nền kinh tế và tạo ra các biến số gọi là đầu ra.
- Tổng cầu AD: là tổng khối lượng hàng hóa, dịch vụ mà các tác nhân trong nền kinh tế có khả năng và sẵn sàng mua trong một thời kỳ nhất định, tương ứng với mỗi mức giá chung (Price) (Giá tăng AD giảm) , mức thu nhập (Income) (thu nhập tăng, AD tăng), …còn các yếu tố khác không đổi.
- Tổng cung AS: là tổng khối lượng hàng hóa, dịch vụ mà các tác nhân trong nền kinh tế mong muốn và có khả năng cung cấp trong một khoảng thời gian nhất định, tương ứng với mỗi mức giá chung, mức chi phí sản xuất và giới hạn khả năng sản xuất, còn các yếu tố kinh tế khác cho trước.
- Cân bằng cung cầu: Giao điểm của AD và AS, là điểm thỏa mãn mức giá và sản lượng cân bằng, hiểu đơn giản là bao nhiêu sản phẩm sản xuất ra được tiêu dùng bấy nhiêu, không có sản phẩm dư thừa.
Đầu ra: Bao gồm sản lượng sản xuất, việc làm, giá cả, xuất nhập khẩu,… là các biến số đo lường kết quả hoạt động của hộp đen kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ.
Đối tượng nghiên cứu của kinh tế vĩ mô:
Kinh tế vĩ mô tập trung vào 4 vấn đề quan trọng
- Mức sản lượng – tăng trưởng kinh tế – chu kỳ kinh doanh (Tổng sản phẩm trong nước (Gross Domestic Product–GDP)
- Mức giá chung – lạm phát
- Thất nghiệp – phúc lợi xã hội
- Thương mại quốc tế – cán cân thanh toán (cán cân thương mại) (Bảng cán cân thanh toán là bảng số liệu thống kê tất cả các giao dịch kinh tế giữa cư dân trong nước và cư dân nước ngoài trong một khoảng thời gian nhất định) – tỷ giá hối đoái
Các câu hỏi liên quan đến 4 vấn đề trên là những câu hỏi trọng tâm mà kinh tế vĩ mô tìm cách giải quyết.
Phương pháp nghiên cứu:
- Phương pháp khoa học: Đó là PP yêu cầu khi nghiên cứu phải quan sát các sự kiện, các hiện tượng và phát triển lý thuyết rồi thu thập dữ liệu để kiểm định lý thuyết đó.
- Phương pháp trừu tượng hoá: Đó là PP yêu cầu khi nghiên cứu phải có những giả định nhằm tập trung vào nghiên cứu mối quan hệ chủ yếu và bỏ qua các mối quan hệ thứ yếu.
- Phương pháp cân bằng tổng quát L.Walras (1834 – 1910): Đó là PP yêu cầu khi nghiên cứu để điều tiết nền KT vĩ mô phải hướng tới sự cân bằng đồng thời ở tất cả các thị trường gồm: Thị trường sản phẩm; Thị trường tư bản và Thị trường lao động.
- Phương pháp toán học: Đó là phương pháp yêu cầu khi nghiên cứu phải lượng hóa được các biến số và phân tích mối quan hệ giữa các biến số đó thông qua các hàm số toán học, các đồ thị toán học. (Kinh tế lượng).
Mục tiêu của kinh tế vĩ mô
Mục tiêu chung: Ổn định, tăng trưởng và công bằng xã hội.
- Mục tiêu sản lượng: đạt được sản lượng thực tế cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và vững chắc.
- Mục tiêu việc làm: tạo được càng nhiều việc làm càng tốt, hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp.
- Mục tiêu ổn định giá cả: hạ thấp và kiểm soát được lạm phát trong điều kiện thị trường tự do.
- Mục tiêu kinh tế đối ngoại: ổn định tỷ giá hối đoái, cân bằng cán cân thanh toán.
- Mục tiêu công bằng: phân phối thu nhập công bằng, hạn chế bất bình đẳng trong xã hội.
Những mục tiêu trên đây thể hiện một trạng thái lý tưởng. Trên thực tế các chính sách kinh tế vĩ mô chỉ có thể tối thiểu hóa các sai lệch thực tế so với trạng thái lý tưởng. Do không thể cùng lúc thực hiện tất cả các mục tiêu nên các nhà hoạch định chính sách cần phải lựa chọn thứ tự ưu tiên và đôi khi phải chấp nhận một sự “hy sinh” nào đó trong thời gian ngắn. Về mặt dài hạn thứ tự ưu tiên giải quyết các mục tiêu trên đây cũng khác nhau giữa các nước.
Các công cụ điều tiết nền kinh tế vĩ mô
Chính sách tài khóa (fiscal policy): Điều chỉnh thu nhập và chi tiêu của chính phủ nhằm hướng nền kinh tế vào một mức sản lượng và việc làm mong muốn.
- Công cụ: Chi tiêu của chính phủ (G) (giao dục đào tạo, quốc phòng an ninh… có ảnh hưởng trực tiếp tới quy mô của chi tiêu công cộng, do đó có thể trực tiếp tác động đến tổng cầu và sản lượng. ) và Thuế (T) (Thuế làm giảm các khoản thu nhập, do đó giảm chi tiêu của khu vực tư nhân tác động đến tổng cung và sản lượng).
- Tác động của CSTK: Trong ngắn hạn 1-2 năm chính sách tài khóa có tác động đến sản lượng thực tế và lạm phát phù hợp với các mục tiêu ổn định nền kinh tế. Trong dài hạn có thể điều chỉnh nền kinh tế giúp tăng trưởng và phát triển lâu dài.
Chính sách tiền tệ (monetary policy): Chủ yếu nhằm tác động đến đầu tư tư nhân, hướng nền kinh tế vào mức sản lượng và việc làm mong muốn.
- Công cụ: Cung tiền (MS) và lãi suất (i). Khi ngân hàng trung ương thay đổi lượng cung tiền thì lãi suất sẽ tăng hoặc giảm tác động đến đầu tư tư nhân (I), do vậy ảnh hưởng tới tổng cầu (AD) và sản lượng (Y). Cung tiền (MS) là lượng tiền tệ được cung ứng ra thị trường. Khi MS tăng, đầu tư của khu vực tư nhân tăng, tạo nhiều việc làm và tăng sản lượng (Y). Lãi suất: là giá cả của việc đi vay tiền, có thể mở rộng hoặc thu hẹp đầu tư. (Ví dụ: Lãi suất thấp: mở rộng đầu tư vào sản xuất, còn lãi suất cao: khuyến khích cho vay, không khuyến khích sản xuất do đó có thể làm ngưng trệ trong sản xuất và phát triển kinh tế).
- Tác động của CSTT: Chính sách tiền tệ có tác động lớn đến tổng sản phẩm quốc dân GNP về mặt ngắn hạn, song do tác động đến đầu tư nên nó cũng ảnh hưởng tới GNP dài hạn.
Chính sách thu nhập (incomes policy): Là chính sách của chính phủ tác động trực tiếp tới tiền công, giá cả với mục đích chính là để kiềm chế lạm phát.
- Công cụ: Giá, lương, thuế thu nhập, …
Chính sách kinh tế đối ngoại: (foreign trade policy): có mục tiêu ổn định tỷ giá hối đoái, và giữ cho thâm hụt cán cân thanh toán ở mức có thể chấp nhận được. Biện pháp giữ cho thị trường hối đoái cân bằng, các quy định về hàng rào thuế quan, bảo hộ mậu dịch và cả các biện pháp tài chính tiền tệ khác có tác động vào hoạt động xuất nhập khẩu.
Nguồn tham khảo:
- Kinh tế học vĩ mô – Wikipedia
- N.Gregogy Mankiw,Principles of Economics,International Student Edition,Seventh edition,Worth Pulisher,2009.
- Frank and Bernanke, Principles of Macroeconomics,Third edition, 2007.
- Glenn Hubbard and Tony O’Brien, Macroeconomics, Second edition, 2008.