Trong phiên 21/11, giá vàng thế giới tăng mạnh và đạt mức cao nhất trong 3 tuần lên quanh mức 2.000 USD/ounce nhờ được hỗ trợ từ hoạt động bán khống của các nhà giao dịch vàng tương lai và báo cáo doanh số bán nhà ảm đạm ở Mỹ. Giá dầu chững lại sau khi tăng cao do tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư.
Giá vàng vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce
Giá vàng đã vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce trong phiên 21/11, nhờ kỳ vọng lãi suất của Mỹ đã đạt đỉnh. Chốt phiên, giá vàng giao ngay tăng 1,2% lên 1.999,92 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất trong ba tuần ở mức 2.007,29 USD/ounce. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ tăng 1,1%, lên mức 2.001,60 USD/ounce.
Theo biên bản cuộc họp chính sách hai ngày 31/10-1/11 được công bố hôm 21/11, các quan chức của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nhất trí sẽ hành động cẩn trọng và chỉ tăng lãi suất nếu tiến triển trong quá trình kiểm soát lạm phát chững lại. Biên bản này cho thấy tất cả những người tham dự đều đồng ý rằng Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) thuộc Fed có thể tiến hành một cách cẩn trọng và dường như sự ủng hộ cho tăng lãi suất không còn.
Biên bản cho biết việc thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ sẽ là phù hợp nếu thông tin cho thấy lộ trình hướng tới mục tiêu lạm phát của FOMC là chưa đủ. Thông tin này không xuất hiện trong biên bản cuộc họp trước đó của Fed hồi tháng 9, khi đa số người tham dự vẫn đánh giá rằng sẽ cần thêm một đợt tăng lãi suất nữa trong chu kỳ đưa lãi suất lên mức cao hơn 5,25 điểm phần trăm trong 20 tháng qua.
Đồng USD chạm mức thấp nhất trong hơn 2 tháng rưỡi trong phiên 21/11 khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với những người mua nắm giữ các đồng tiền khác. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng dao động gần mức thấp nhất trong 2 tháng được ghi nhận vào tuần trước.
Đơn vị nghiên cứu BMI của Fitch Solutions nhận định rằng các yếu tố chính thức làm tăng giá vàng trong năm 2024 sẽ là việc Fed cắt giảm lãi suất, đồng USD yếu và căng thẳng địa chính trị gia tăng. Trong khi đó, theo nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của hãng tin Reuters, giá vàng giao ngay có thể quay trở lại mức cao nhất 2.009,29 USD/ounce vào ngày 27/10, vì đã vượt ngưỡng kháng cự 1.991 USD/ounce.
Giá dầu gần như đi ngang chờ động thái mới của OPEC+
Giá dầu thô Brent Biển Bắc giao kỳ hạn chốt phiên tăng 13 xu Mỹ, lên 82,45 USD/thùng trong phiên 21/11. Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 6 xu Mỹ, xuống mức 77,77 USD/thùng. Đà giảm của giá dầu đã thu hẹp vào cuối phiên, giữa bối cảnh thị trường chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ Tạ ơn, thường là thời điểm ghi dấu khối lượng giao dịch dầu thấp.
Thị trường dầu mỏ biến động không đáng kể sau 2 phiên tăng giá trước đó, do các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước cuộc họp của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (OPEC+) sẽ diễn ra vào ngày 26/11 để thảo luận về việc cắt giảm nguồn cung sâu hơn do tăng trưởng toàn cầu chậm lại.
Nhà phân tích Kelvin Wong tại công ty OANDA có trụ sở tại Singapore cho biết những người tham gia thị trường đã bắt đầu đặt cược về khả năng kế hoạch cắt giảm nguồn cung dầu mỏ được gia hạn đến năm 2024 hoặc thậm chí cắt giảm sâu hơn trong cuộc họp của OPEC+ sắp tới.
Ngày 20/11, cả hai loại dầu chủ chốt này đều tăng khoảng 2% sau khi các nguồn tin của OPEC+ cho biết nhóm này chuẩn bị xem xét liệu cần có tiếp tục cắt giảm nguồn cung dầu bổ sung khi nhóm họp vào ngày 26/11 hay không. Giá dầu hiện đã giảm 16% so với thời điểm cuối tháng 9/2023.
Yến Anh