Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) nhận định nền kinh tế khu vực này vẫn “mắc kẹt” trong bẫy tăng trưởng thấp và sẽ chỉ phát triển với tốc độ trung bình 1,8% trong năm nay.
Theo một nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), một phần tư dân số ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe sống trong các hộ gia đình nghèo, với thu nhập bình quân dưới 6,85 USD/ngày và xu hướng giảm nghèo ở khu vực đã trì trệ trong 9 năm qua.
Báo cáo do CEPAL công bố ngày 13/8 cho thấy động lực việc làm kém và biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến mức dự báo thấp này. Ngoài ra, hiệu suất đầu tư kém và năng suất lao động thấp, cộng thêm không gian nội bộ nhỏ để thực hiện các chính sách phục hồi kinh tế vĩ mô và tình hình bất ổn toàn cầu cũng góp phần làm trầm trọng thêm vấn đề của kinh tế Mỹ Latinh và Caribe.
Báo cáo cũng cảnh báo rằng những căng thẳng địa chính trị và thương mại cũng sẽ tác động xấu đến quỹ đạo tăng trưởng của Mỹ Latinh và Caribe.
Đánh giá theo khu vực, “Nghiên cứu kinh tế về Mỹ Latinh và Caribe 2024” của CEPAL ước tính các nền kinh tế ở Nam Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng 1,5% trong năm nay, trong khi khu vực Caribe sẽ tăng trưởng 2,6%, Trung Mỹ và Mexico là 2,2%. Các chuyên gia của CEPAL hy vọng đến năm 2025, kinh tế trung bình của toàn khu vực sẽ khởi sắc và dự kiến tăng trưởng 2,3%, chủ yếu nhờ tăng trưởng GDP của khu vực Nam Mỹ.
Theo CEPAL, các quốc gia được dự báo tăng trưởng mạnh nhất trong năm nay là Paraguay (3,8%), Uruguay (3,6%), Venezuela (5%), Costa Rica (4%), Honduras (3,8%) và Cộng hòa Dominicana (5,2%). Trong khi đó, GDP của Argentina sẽ giảm 3,6% và Haiti giảm 3%. CEPAL duy trì dự báo tăng trưởng của Brazil, nền kinh tế lớn nhất khu vực, ở mức 2,3%, và Colombia là 1,3%.
Thư ký điều hành CEPAL José Manuel Salazar-Xirinachs đã nêu bật sự cần thiết phải tăng cường các chính sách phát triển năng suất đi kèm với chính sách kinh tế vĩ mô, lao động, thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu để giải quyết bẫy tăng trưởng thấp. Ông Salazar-Xirinachs nhấn mạnh rằng “tăng trưởng mạnh mẽ” là nhiệm vụ hàng đầu của khu vực nhằm ứng phó với những thách thức về môi trường, xã hội và lao động.
Liên quan đến các tác động của bẫy tăng trưởng thấp đối với việc làm, các chuyên gia của CEPAL chỉ rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa tăng trưởng và tạo việc làm ở nhiều góc độ. Từ năm 2014 đến năm 2023, mức tăng trưởng trung bình về số người có việc làm trong khu vực là 1,3%, bằng 1/3 so với mức tăng được ghi nhận vào những năm 1970 (3,9%). Tương tự, năng suất lao động năm 2024 ước tính sẽ thấp hơn mức ghi nhận năm 1980.
Tăng trưởng về việc làm của khu vực Mỹ Latinh và Caribe chủ yếu là việc làm phi chính thức, đặc biệt là ở lao động nữ. Tuy nhiên, khoảng hơn 74% số việc làm phi chính thức tập trung ở các lĩnh vực có năng suất thấp như xây dựng, thương mại, vận tải, du lịch và dịch vụ.
Theo một nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), một phần tư dân số ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe sống trong các hộ gia đình nghèo, với thu nhập bình quân dưới 6,85 USD/ngày và xu hướng giảm nghèo ở khu vực đã trì trệ trong 9 năm qua.
Mặc dù Mỹ Latinh và Caribe đã nỗ lực giảm tỷ lệ người nghèo xuống 30% trong 15 năm đầu của thiên niên kỷ mới và đây được coi là một thành công đáng chú ý, nhưng quá trình này đã bị đình trệ kể từ năm 2015 và hiện là một trong những khu vực có tốc độ xóa đói giảm nghèo chậm nhất.
Từ năm 2019 đến năm 2022, nhân khẩu học của người nghèo trong khu vực đã chuyển dịch khỏi các nhóm dễ bị tổn thương truyền thống và tỷ lệ người nghèo thấp hơn ở những người có trình độ học vấn thấp và những người sống ở khu vực nông thôn.
Nếu chính phủ các quốc gia trong khu vực không triển khai ngày các biện pháp và chương trình phúc lợi xã hội, tỷ lệ nghèo sẽ chỉ giảm nhẹ vào năm 2024 và duy trì ở mức 25%, tương đương với khoảng 165 triệu trong tổng số 663 triệu dân trong khu vực. Nghiên cứu cho rằng sự bất bình đẳng ở Mỹ Latinh và Caribe có thể vẫn ở mức cao trong tương lai gần, với chỉ số Gini vào khoảng 49,7.
Hoa Nguyễn