Bitcoin (BTC) đang ở thời điểm then chốt khi giá dao động quanh các mức kháng cự quan trọng. Tại thời điểm viết bài, đồng tiền vua đang giao dịch gần ngưỡng 55.000 USD và vài ngày tới có thể xác định quỹ đạo của nó. Nếu Bitcoin không vượt qua được ngưỡng kháng cự quan trọng 58.000 USD, thì khả năng giá giảm xuống mức 48.000 USD là điều không thể tránh khỏi.
Dòng tiền chảy khỏi các sản phẩm đầu tư tiền điện tử
Các sản phẩm đầu tư tiền điện tử đã chứng kiến dòng tiền ra lên tới 726 triệu USD vào tuần trước, mức chưa từng thấy kể từ tháng 3. Đáng chú ý, dòng tiền chảy ra từ Mỹ chiếm phần lớn trong số này, đạt 721 triệu USD, làm nổi bật mối quan tâm của nhà đầu tư trước các sự kiện kinh tế quan trọng trong tuần này.
Theo báo cáo mới nhất của CoinShares, nguyên nhân lớn nhất dẫn tới việc nhà đầu tư rút vốn khỏi các sản phẩm đầu tư tiền số là do sự không chắc chắn về việc cắt giảm lãi suất. Tâm lý nghi ngại xảy ra sau khi thị trường tiếp nhận báo cáo việc làm yếu kém trong tuần trước, cùng với một số dữ liệu kinh tế khác của Mỹ. Những dữ liệu này khiến các nhà giao dịch và nhà đầu tư trở nên thận trọng về các điều kiện thị trường trong tương lai.
“Tâm lý tiêu cực được thúc đẩy bởi dữ liệu kinh tế vĩ mô mạnh hơn dự kiến của tuần trước, làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản. Tuy nhiên, dòng tiền chảy ra hàng ngày chậm lại vào cuối tuần khi dữ liệu việc làm không đạt kỳ vọng, khiến thị trường trở nên chia sẽ về khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản,” CoinShares cho biết. “Thị trường hiện đang chờ báo cáo lạm phát Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được công bố vào thứ Ba (10/9), với khả năng FED cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản sẽ tăng lên nếu lạm phát thấp hơn kỳ vọng.”
Dòng tiền của các quỹ đầu tư tiền điện tử. Nguồn: CoinShares
Trạng thái không chắc chắn này được phản ánh bởi sự biến động của các số liệu từ công cụ FedWatch Tool của CME Group. Sau báo cáo việc làm công bố vào thứ Sáu tuần trước, xác suất FED cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản đã tăng lên 55%, trong khi xác suất FED cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản là 45%.
Tuy nhiên, đến thứ Hai ngày 9 tháng 9, công cụ này chỉ ra xác suất FED cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản là 75%, còn xác suất cắt giảm 50 điểm cơ bản đã giảm xuống chỉ còn 25%. Những thay đổi này làm nổi bật sự không chắc chắn đang diễn ra, khi hầu hết những người tham gia thị trường đều dự đoán FED sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp chính sách vào ngày 17-18 tháng 9, mặc dù quy mô cắt giảm vẫn chưa rõ ràng.
Tuần này là một tuần vĩ mô bận rộn, khi báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 được công bố vào thứ Tư ngày 11 tháng 9 có thể làm gia tăng sự không chắc chắn. Dữ liệu CPI sẽ đóng vai trò then chốt trong việc định hình quyết định lãi suất sắp tới của FED. Một số chuyên gia cho rằng việc cắt giảm lãi suất có thể tác động tiêu cực đến Bitcoin.
Trong khi đó, theo Bloomberg, các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) Bitcoin giao ngay của Mỹ đang chứng kiến chuỗi ngày dòng tiền chảy ra dài nhất kể từ khi niêm yết. Theo đó, các nhà đầu tư đã rút gần 1,2 tỷ USD khỏi các quỹ này trong tám ngày giao dịch liên tiếp tính đến ngày 6 tháng 9.
Dòng tiền của các quỹ ETF Bitcoin giao ngay. Nguồn: Farside Investors
Giá Bitcoin có nguy cơ giảm về 48.000 USD nếu không giữ được hỗ trợ
Như được đề cập ở trên, tâm lý thị trường chịu ảnh hưởng lớn từ các yếu tố kinh tế vĩ mô, bao gồm lo ngại về lạm phát, chính sách của FED và các chỉ số kinh tế rộng lớn hơn. Những bất ổn đang diễn ra xung quanh chính sách tiền tệ của Mỹ, đặc biệt là khả năng cắt giảm lãi suất, đã làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn.
Khi lạm phát vẫn ở mức cao và thị trường lao động có dấu hiệu suy yếu, khả năng nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ đang gia tăng. Trong lịch sử, những điều kiện như vậy đã thúc đẩy nhu cầu đối với các tài sản thay thế, chẳng hạn như Bitcoin.
Bitcoin so với thanh khoản toàn cầu. Nguồn: TradingView
Chỉ số Sợ hãi và Tham lam tiền điện tử, một công cụ được sử dụng để đánh giá tâm lý thị trường, gần đây đã giảm xuống còn 22, một con số phản ánh nỗi sợ hãi lan rộng trong giới đầu tư. Lần cuối cùng chỉ số này ở mức thấp như vậy là trong đợt sụp đổ của sàn giao dịch đã phá sản FTX vào tháng 11 năm 2022.
Khi thị trường chuẩn bị cho tình trạng hỗn loạn kinh tế tiếp theo, một số nhà phân tích tin rằng tâm lý tiêu cực này có thể khiến giá BTC giảm xuống các mức thấp hơn nữa trước khi phục hồi trở lại.
Chỉ số Sợ hãi và Tham lam của Bitcoin. Nguồn: Glassnode
Các nhà phân tích như Michaël van de Poppe và Trader XO đang theo dõi chặt chẽ mức 58.000 USD. Theo họ, nếu Bitcoin vượt qua được rào cản này, nó có thể nối lại xu hướng tăng giá, từ đó có thể đạt đến mức cao kỷ lục mới.
Ngược lại, nếu không lấy lại được mức này, Bitcoin có thể rơi vào đợt điều chỉnh sâu hơn, với mức 48.000 USD được coi là mức hỗ trợ quan trọng tiếp theo. Mức này thấp hơn từ 10% tới 15% so với giá hiện tại, phù hợp với các đợt điều chỉnh thị trường trước đó.
“Nếu xem xét các khung thời gian thấp hơn của Bitcoin, có thể thấy rằng giá đang tiếp tục xu hướng giảm. Có một số ngưỡng quan trọng đối với hành động giá tiếp theo của BTC. Nếu BTC vẫn duy trì dưới mức 58.000 USD, về mặt kỹ thuật, tôi tin rằng giá sẽ giảm về ngưỡng 53.000 USD và thậm chí có thể là 48.000 USD”, van de Poppe giải thích.
Phân tích giá Bitcoin. Nguồn: TradingView
Tóm lại, diễn biến giá Bitcoin trong những ngày tới sẽ rất quan trọng. Với khả năng giá có thể giảm xuống ngưỡng 48.000 USD, các nhà đầu tư nên theo dõi chặt chẽ các yếu tố kinh tế vĩ mô cũng như liệu BTC có thể phá vỡ ngưỡng kháng cự 58.000 USD hay không. Nếu không làm được điều đó, đà giảm của đồng tiền vua sẽ tiếp tục kéo dài.
Đỗ Hiền-Theo beincrypto