Công ty CMA CGM của Pháp ngày 26/12 cho biết đang tăng số tàu đi qua kênh đào Suez. Đây là công ty vận tải container tiếp theo sau hãng tàu Maersk nối lại hoạt động tại khu vực Biển Đỏ, sau nỗ lực do Mỹ khởi xướng nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào các tàu thương mại.
Các công ty vận tải đang đánh giá xem tình hình hiện tại có an toàn để quay lại tuyến đường trên hay không, sau khi Mỹ công bố sáng kiến an ninh hàng hải đa quốc gia tại Biển Đỏ. Trong một thông báo, CMA CGM đã thực hiện một cuộc “đánh giá chuyên sâu về tình hình an ninh” tại khu vực này. Công ty này cho biết: “Chúng tôi hiện đang xây dựng kế hoạch để tăng dần số lượng tàu đi qua kênh đào Suez. Chúng tôi đang liên tục theo dõi tình hình và sẵn sàng đánh giá lại ngay để điều chỉnh kế hoạch nếu cần”.
Trong một thông báo trên trang web 26/12, CMA CGM liệt kê danh sách 28 tàu được chuyển hướng đi vòng qua Mũi Hảo Vọng của Nam Phi, cao hơn con số 22 tàu trong danh sách được công bố trước đó.
CMA CGM là một trong số các hãng tàu đã thu thêm phụ phí do chuyển hướng tàu, qua đó làm gia tăng chi phí vận tải đường biển kể từ khi lực lượng Houthi tấn công các tàu thương mại.
Nhiều công ty vận tải hàng đầu thế giới, trong đó có Maersk và Hapag-Lloyd, đã dừng sử dụng tuyến đường qua Biển Đỏ, sau khi lực lượng Houthi trong tháng này đã bắt đầu nhắm đến các tàu thương mại, làm gián đoạn hoạt đông thương mại toàn cầu qua kênh đào Suez. Thay vào đó, các công ty này chuyển sang tuyến đường vòng qua phía nam châu Phi, làm cho quãng đường di chuyển trở nên dài hơn và tốn kém hơn. Kênh đào Suez là tuyến đường biển ngắn nhất nối châu Á và châu Âu.
Một người phát ngôn của Hapag-Lloyd cho biết ngày 27/12, công ty vận tải container của Đức này sẽ quyết định có nối lại hoạt động vận chuyển qua Biển Đỏ hay không. Tuần trước, Hapag-Lloyd cho biết sẽ chuyển hướng 25 tàu đến hết năm nay để tránh khu vực này.
Hãng tàu Maersk của Đan Mạch cuối tuần trước cho biết đang chuẩn bị nối lại hoạt động vận chuyển tại khu vực Biển Đỏ và Vịnh Aden, nhờ việc triển khai sáng kiến đảm bảo an ninh hàng hải tại khu vực này do Mỹ phát động.
Trước nguy cơ hoạt động vận chuyển qua kênh đào Suez tại Biển Đỏ bị gián đoạn bởi các vụ tấn công của lực lượng Houthi, giá cước vận tải biển quốc tế trên tuyến châu Á – châu Âu đã tăng gấp 3 lần so với tuần trước.
Theo số liệu của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tính trong nửa đầu năm 2023, trung bình có 9,2 triệu thùng dầu/ngày được vận chuyển qua kênh đào Suez – tương đương 9% tổng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Bên cạnh đó, khoảng 4% lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) được giao dịch trên toàn cầu trong năm 2022 là được vận chuyển qua tuyến đường thuỷ này.
Theo hãng tin CNBC, các doanh nghiệp logistics đã được báo giá cước vận chuyển 1 container 40 ft từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến Vương quốc Anh ở mức 10.000 USD, tăng 317% so với tuần trước.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, mặc dù Mỹ đã lập liên minh 10 nước và cho biết sẽ cử tàu chiến đến khu vực Biển Đỏ để ứng phó các vụ tập kích của Houthi, rủi ro gián đoạn vận chuyển trên kênh đào Suez khó có thể sớm được giải quyết triệt để khi các rủi ro địa chính trị tại Trung Đông vẫn còn. Do đó, giá cước vận tải biển và giá dầu thô nhiều khả năng sẽ neo cao trong thời gian tới mặc dù hoạt động này đang dần dần được phục hồi.
Hoa Nguyễn