Trong phiên sáng 22/12, giá vàng thế giới đảo chiều tăng mạnh so với chốt phiên trước khi thị trường đón nhận thông tin kinh tế kém tích cực từ Mỹ. Ngược lại, giá dầu đi xuống sau khi Angola thông báo sẽ rời Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Giá vàng bất ngờ tăng do đồng USD lao dốc
Lúc 6 giờ 5 phút sáng 22/12 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đảo chiều tăng lên ngưỡng 2.045 USD/ounce, tăng mạnh 14 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch trước. Giá vàng giao theo hợp đồng tháng 2/2024 giao dịch quanh mức 2.057 USD/ounce, cũng tăng mạnh 13 USD/ounce.
Theo báo cáo lần thứ ba công bố ngày 21/12 của Bộ Thương mại Mỹ, tăng trưởng GDP của nước này trong quý III/2023 được điều chỉnh giảm xuống 4,9%, so với mức tăng 5,2% theo báo cáo lần thứ hai. Việc điều chỉnh giảm là do chi tiêu tiêu dùng và nhập khẩu yếu hơn so với ước tính theo báo cáo trước.
Tuy nhiên, một số yếu tố như tiêu thụ, đầu tư tích trữ, xuất khẩu và chi tiêu của chính phủ, các chính quyền bang và địa phương… đã góp phần giúp nền kinh tế Mỹ tránh rơi vào suy thoái, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.
Một số nhà phân tích nhận định, số liệu GDP hơi yếu đi đã giúp đỡ vàng tăng giá. Thị trường đang mong chờ những số liệu ủng hộ sự xoay trục chính sách của Fed. Những người tham gia thị trường đang kỳ vọng Fed có 83% khả năng cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 3/2024, cao hơn so với mức 79% trước khi có dữ liệu.
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ. Bởi lãi suất hạ sẽ khiến đồng USD yếu đi, song lại gia tăng đáng kể sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng.
Các nhà đầu tư đang chuyển trọng tâm chú ý sang báo cáo chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (PCE) của Mỹ, dự kiến được công bố trong ngày 22/12 (theo giờ địa phương) để có thêm manh mối về triển vọng chính sách tiền tệ của Fed.
Ông David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại công ty tư vấn đầu tư High Ridge Futures, đánh giá rằng vàng sẽ tiếp tục duy trì trên ngưỡng 2.000 USD/ounce. Những kỳ vọng về việc áp lực lạm phát tại Mỹ suy giảm sẽ tiếp tục thúc đẩy xu hướng đi ngang của kim loại quý này.
Giá dầu thụt lùi khi một thành viên OPEC tuyên bố rời nhóm
Sáng 22/12 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent giảm 0,21 USD, xuống mức 79,31 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ giảm 0,36 USD xuống mức 73,89 USD/thùng. Trước đó, trong phiên này, cả dầu Brent và WTI đều để mất hơn 1 USD sau khi Angola thông báo ý định rời khỏi OPEC.
Angola hiện sản xuất khoảng 1,1 triệu thùng dầu/ngày, trong khi tổng sản lượng của OPEC hiện vào khoảng 28 triệu thùng/ngày.
Nhóm các nhà sản xuất lớn do Saudi Arabia dẫn đầu trong những tháng gần đây đã tăng cường các biện pháp cắt giảm sản lượng sâu hơn và thúc đẩy giá đi lên. Tại một cuộc họp gần nhất vào tháng 11/2023, Angola đã phản đối quyết định của OPEC về cắt giảm hạn ngạch sản xuất trong năm tới. Việc Angola rời đi được giới phân tích đặt ra câu hỏi về sự gắn kết và định hướng của OPEC, mặc dù đây là một trong những nhà sản xuất nhỏ nhất khối.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) thông báo, dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 2,9 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 15/12 lên 443,7 triệu thùng, cao hơn so với kỳ vọng của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters là 2,3 triệu thùng.
EIA cũng cho biết sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 13,3 triệu thùng/ngày vào tuần trước, vượt mức cao nhất từ trước đến nay là 13,2 triệu thùng/ngày.
Chuyên gia Naohiro Niimura, một đối tác tại công ty nghiên cứu và tư vấn Market Risk Advisory dự báo, vì OPEC và các đối tác (OPEC+) sẽ không cắt giảm thêm sản lượng trong năm 2023 nên giá dầu có thể sẽ duy trì ở mức ổn định cho đến cuối năm. Giá dầu WTI có thể sẽ giao dịch trong khoảng 70-75 USD/thùng trong tháng 12/2023.
Yến Anh