Home Tin tức khác Vận tải qua kênh đào Suez bị ảnh hưởng lớn

Vận tải qua kênh đào Suez bị ảnh hưởng lớn

by Ban Biên Tập GDTC

Những ngày gần đây, các vụ tấn công của phong trào Houthi ở Yemen nhằm vào các tàu di chuyển qua Biển Đỏ đang ảnh hưởng tới hoạt động vận tải hàng hải. Nhiều doanh nghiệp vận tải hàng đầu thế giới đang định tuyến lại hải trình của mình để giảm thiểu rủi ro. Đây là một trong những tuyến đường vận tải huyết mạch trên thế giới.

Vận tải qua kênh đào Suez bị ảnh hưởng lớn

Ngày 18/12, tập đoàn năng lượng BP của Anh cho biết giống như nhiều hãng khác, tập đoàn này dừng các chuyến hàng qua Biển Đỏ sau khi Houthi tấn công các tàu thương mại quốc tế đến và rời Israel. Ưu tiên hàng đầu của BP hiện nay là an toàn và an ninh cho nhân viên. Tập đoàn thông báo sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và điều chỉnh các quyết định phù hợp.

Tương tự, tập đoàn Evergreen của Đài Loan (Trung Quốc) thông báo quyết định tạm dừng ngay lập tức việc tiếp nhận tàu chở hàng của Israel, đồng thời yêu cầu các tàu container của tập đoàn không đi qua Biển Đỏ, chuyển hướng tới các vùng biển khác cho tới khi có thông báo mới. Trong khi đó, các tàu đã lên lịch trình qua Biển Đỏ sẽ được định tuyến lại đi quanh Mũi Hảo Vọng tránh qua kênh đào Suez để có thể tiếp tục hành trình tới các cảng đích. 

Hãng tàu chở dầu Euronav của Bỉ cũng tuyên bố sẽ tránh khu vực Biển Đỏ cho tới khi có thông báo mới.  Hãng này cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình trên Biển Đỏ.

Trong khi đó, các công ty bảo hiểm hàng hải tại thủ đô London của Anh đã mở rộng khu vực rủi ro cao trên tuyến hàng hải này. Theo tuyên bố ngày 18/12, một ủy ban gồm các thành viên Hiệp hội Thị trường Lloyd (LMA) và đại diện của thị trường công ty bảo hiểm London đã mở rộng vùng rủi ro cao từ vị trí 15 độ vĩ Bắc trước đây lên 18 độ vĩ Bắc ở thời điểm hiện nay. Hướng dẫn của ủy ban này đang được theo dõi chặt chẽ và được cho là sẽ tác động đến việc các công ty bảo hiểm cân nhắc mức phí bảo hiểm.

Ngoài ra, các phân tích trong ngành vận tải hàng hải cho thấy một số công ty vận tải lớn đã bắt đầu chuyển hướng đi vòng quanh châu Phi. Theo nhà phân tích Albert Jan Swart của ngân hàng ABN Amro, các công ty chuyển hướng vận tải để tránh tuyến qua kênh đào Suez hiện chiếm khoảng 50% thị trường vận tải container toàn cầu. Nhiều hãng vận tải đường biển, trong đó có 2 hãng lớn nhất thế giới là Maersk và Hapag-Lloyd, đã tuyên bố đình chỉ tuyến đường này.

Vận tải qua kênh đào Suez bị ảnh hưởng lớn

Ngày 15/12, lực lượng Houthi tại Yemen đã thừa nhận tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa vào 2  tàu chở hàng của Israel trên Biển Đỏ.

Trong một tuyên bố phát sóng trên kênh truyền hình al-Masirah, người phát ngôn của lực lượng Houthi, ông Yehya Sarea, xác nhận lực lượng này đã tấn công 2 hai tàu chở hàng MSC Alanya và MSC Palatium III đang trên đường tới Israel. Các cuộc tấn công được tiến hành sau khi thủy thủ đoàn của hai tàu trên từ chối trả lời cuộc gọi từ Houthi. Kể từ khi bùng phát xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas hôm 7/10, Houthi đã nhiều lần tuyên bố sẽ tấn công các tàu hướng đến Israel, bất kể là tàu của nước nào, đồng thời cảnh báo các công ty vận tải quốc tế không giao dịch với các cảng của Israel.

Cũng theo người phát ngôn trên, Houthi sẽ tiếp tục ngăn chặn tất cả các tàu hàng tới cảng của Israel cho đến khi có thêm thực phẩm và thuốc men được phép vào Dải Gaza.

Vận tải qua kênh đào Suez bị ảnh hưởng lớn

Kênh đào Suez là một trong những tuyến đường giao thông vận tải “tấp nập” nhất trên thế giới.

Con kênh dài khoảng 193km này ngăn cách lục địa châu Phi với châu Á. Kênh cũng là đường liên kết biển ngắn nhất giữa Châu Á và Châu Âu và các vùng đất nằm xung quanh Ấn Độ Dương và tây Thái Bình Dương. Tuyến đường thủy đầu tiên được đào từ cách đây hơn 3.500 năm, nhưng đã trải qua tu sửa cải tiến lớn vào thế kỷ 19.

Số chuyến vận tải bằng đường biển qua kênh đào này chiếm khoảng 15% trong tổng số chuyến vận tải hàng hải toàn cầu. Việc tránh Biển Đỏ sẽ làm đội chi phí vận tải do các tàu sẽ phải di chuyển quãng đường xa hơn với thời gian lâu hơn.

Hoa Nguyễn

0 0 votes
Article Rating

Bài Viết Liên Quan

Theo dõi
Nhận thông báo
guest
0 Comments
cũ nhất
mới nhất vote nhiều nhất
Inline Feedbacks
View all comments

Contact Us

DMCA.com Protection Status