Cổ phiếu của The Goldman Sachs Group, Inc. (GS) – một ngân hàng đầu tư nổi tiếng toàn thế giới – đã ghi nhận thành tích tăng trưởng đáng chú ý trên thị trường chứng khoán, khi cổ phiếu của ngân hàng đã tăng vọt tới 59.12% chỉ trong một năm. Tốc độ tăng trưởng có phần như ‘cưỡi tên lửa’ này đã giúp hãng vượt mặt chỉ số S&P 500 và một số đối thủ cạnh tranh khác, như JPMorgan & Chase (JPM) hay Morgan Stanley (MS).
Năm nay là một năm thuận lợi đối với ngân hàng đầu tư toàn cầu này khi thị trường vốn đang phát ra những tín hiệu phục hồi. Hoạt động ngân hàng đầu tư (IB) dường như cũng đã có được cho nó một nền tảng vững chắc trong năm, giúp cho GS thu được khoản phí IB kỷ lục chỉ trong nửa đầu năm 2024.
Điều này dẫn đến tâm lý lạc quan trong giới đầu tư khi cổ phiếu đang giao dịch trên đường trung bình động (MA) 50-ngày. Nó cũng nhấn mạnh tâm lý thị trường tích cực cùng với niềm tin dành cho tình hình tài chính và triển vọng của ngân hàng.
Giá đóng cửa phiên ngày thứ Sáu (23/08) của GS là 509.42 USD, chỉ thấp hơn một chút so với mức giá cao nhất trong 52-tuần của cổ phiếu này, 517.26 USD/cổ phiếu, hình thành vào ngày 31/07.
Với kết quả hoạt động xuất sắc, câu hỏi hiện hữu trong tâm trí nhà đầu tư hiện giờ là liệu cổ phiếu của Goldman có thể duy trì được động lực, hay giờ là lúc để chốt lời?
Nội dung bài viết
Mở rộng sang lĩnh vực Tín dụng Vốn Tư nhân
Goldman có kế hoạch tăng tốc dịch vụ cho vay của hãng với đối tượng khách hàng là các công ty quản lý tài sản và vốn tư nhân, và có ý định mở rộng ra thị trường quốc tế. Điều này xuất phát từ một phần trong những nỗ lực lấp đầy khoảng trống, được tạo ra bởi sự hỗn loạn hồi năm 2023 của các ngân hàng khu vực và sự sụp đổ của Credit Suisse.
Thị trường vốn tư nhân có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi hoạt động huy động vốn cao kỷ lục. Những khoản vay này được phân loại là vay ngăn hạn, thường được bảo đảm bởi tài sản của các công ty đi vay. Do đó, chúng sẽ ít rủi ro hơn. Việc tập trung vào thị trường vốn tư nhân là một quyết sách phù hợp về mặt chiến lược.
Goldman Sachs Asset Management, một đơn vị kinh doanh thuộc về GS, có ý định mở rộng danh mục tín dụng tư nhân của mình lên tới 300 tỷ USD trong vòng 5 năm, từ mức 130 tỷ USD hiện nay. Sau khi thành công củng cố hoạt động kinh doanh tại Mỹ, đơn vị này có kế hoạch mở rộng hoạt động cho vay sang châu Âu, Vương quốc Anh và châu Á.
Năm 2022, ngân hàng đã thực hiện mua lại NextCapital, và công ty quản lý tài sản của Hà Lan là NN Investment Partners, củng cố hơn nữa hoạt động kinh doanh thị trường vốn của họ.
Nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng
Goldman Sachs đã thu hẹp phạm vi kinh doanh của mảng ngân hàng tiêu dùng. Trong quý 1/2024, ngân hàng đã hoàn tất thỏa thuận bán đi GreenSky, nền tảng cho vay nhằm mục đích sửa chữa nhà ở. Trong quý 4/2023, ngân hàng cũng bán đi đơn vị Quản lý Tài chính Cá nhân của nó.
Goldman Sachs đặt mục tiêu ngừng cung cấp các khoản vay không có tài sản bảo đảm trên nền tảng ngân hàng tiêu dùng số Marcus của mình. Vào năm 2023, ngân hàng đã bán gần như toàn bộ danh mục nợ vay của Marcus. Ngoài những khoản thoái vốn này, GS cũng đang chuyển nhượng chương trình thẻ tín dụng của họ sang cho General Motors.
Những quyết định này có xu hướng thúc đẩy sự hiện diện của ngân hàng ở các thị trường quốc tế.
Sự tập trung hoạt động trên thị trường chứng khoán Mỹ cũng đang đem lại kết quả tốt. Trong năm 2022 và 2023, doanh thu từ IB của ngân hàng đã giảm lần lượt là 47.9% và 15.5%, trong khi tăng vọt lên gần 27% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2024. Thành tích này được thúc đẩy bởi sự hồi phục của hoạt động Mua bán và Sáp nhập (M&A) trên toàn thế giới, đã dẫn đến sự cải thiện đáng kể cả khối lượng và giá trị các thỏa thuận trên toàn ngành.
Ban quản trị của ngân hàng tin rằng họ vẫn chỉ trong giai đoạn đầu của việc tham gia vào thị trường vốn, cũng như sự phục hồi trở lại của hoạt động M&A. Dù cho khối lượng giao dịch cụ thế vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân 10-năm, thì ngân hàng này vẫn đang ở một vị thế tốt để tiếp tục hưởng lợi từ sự hồi sinh không ngừng của hoạt động thị trường vốn.
Tỷ lệ phân bổ vốn ấn tượng
Goldman Sachs phân phối lợi nhuận hết sức hào phóng cho các cổ đông của mình. Trong tháng 7/2024, ngân hàng đã tăng cổ tức hàng quý thêm 9.1%, thành 3 USD/cổ phiếu. Tốc độ tăng trưởng cổ tức hàng năm bình quân 5-năm là 24.42%. Hiện tại, tỷ lệ chi trả cổ tức của GS là 35% tổng thu nhập.
Trong quý 2, GS cũng đã mua lại 3.5 tỷ USD cổ phiếu của họ. Ban quản lý cho biết vì yêu cầu đối với mức dự phòng bảo toàn vốn (stress capital buffer (SCB) theo Basel cao hơn so với dự kiến, công ty có kế hoạch mua lại cổ phiếu ở mức vừa phải so với kết quả của quý 2.
Tính đến ngày 30/06/2024, tiền mặt và các tài khoản tương đương tiền của GS là 206 tỷ USD, so với 77 tỷ USD tiền vay ngắn hạn. Vị thế vốn chủ sở hữu của công ty vẫn rất mạnh nhưng công ty có kế hoạch phân bổ lượng vốn còn dư cho cổ đông một cách thận trọng.
Lời cuối
GS hiện đang ở vị thế tốt để mở rộng hoạt động kinh doanh các dịch vụ ngân hàng nhờ bảng cân đối kế toán mạnh mẽ. Fitch Ratings, Moody’s Investors Service và Standard & Poor’s đã chấm điểm đầu tư cho GS lần lượt là A/A2/BBB+, kết hợp với triển vọng ổn định, GS đang là một cổ phiếu hấp dẫn sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.
Hải Hà-Theo finance.yahoo, google,markets.ft