Theo dữ liệu mới nhất, cập nhật đến ngày 09/10 trên nền tảng AGSI của Hiệp hội các nhà quản lý mạng lưới khí đốt châu Âu, các kho chứa khí đốt dự trữ trên toàn khối đã đạt mức 1.103,19 TWh, tương đương 97,01% tổng công suất thiết kế.
Cụ thể, đứng đầu là Đức với lượng khí đốt tồn kho là 190,24 TWh, chiếm 97,22% công suất toàn quốc, tiếp theo là các nước Italy (190,24 TWh, 97,22%), Hà Lan (137,68 TWh, 96,68%), Pháp (128,33 TWh, 95,82%).
Trước đó, vào tháng 6/2022, các nước thành viên EU đã thống nhất đưa ra quy định mang tính ràng buộc về việc lưu trữ khí đốt với mục tiêu lấp đầy tối thiểu 90% các cơ sở lưu trữ trước ngày 01/11 hàng năm, qua đó nhằm tối ưu hóa khả năng chuẩn bị của EU trong các tháng cao điểm tiêu thụ. EU xác định hệ thống kho lưu trữ khí đốt là chìa khóa đảm bảo về an ninh nguồn cung của toàn khối, đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu khí đốt của EU trong giai đoạn mùa đông.
Trước đó, vào ngày 20/8, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thông báo, các cơ sở dự trữ khí đốt dưới lòng đất của Liên minh châu Âu (EU) đã “vượt xa kế hoạch” trước hơn hai tháng, đạt tới 90% trữ lượng và sẽ đạt 100% trước ngày 1/11 tới.
Phát biểu trên trang Twitter cá nhân, bà Ursula von der Leyen cho biết, việc dự trữ khí đốt sẽ giúp EU giữ an toàn năng lượng trong mùa đông này và tiếp tục tìm nguồn cung đa dạng hơn cho tương lai thay thế nguồn khí đốt từ Nga.
Nhằm mục đích tối ưu hóa sự chuẩn bị của EU cho mùa đông sắp tới, quy định về lưu trữ khí đốt vào tháng 6/2022 đã đặt ra mục tiêu ràng buộc của EU cần phải dự trữ đầy 90% các cơ sở lưu trữ trước ngày 1/11 hàng năm. Việc dự trữ khí đốt là chìa khóa để bảo đảm nguồn cung ở EU vì có thể đáp ứng tới 1/3 nhu cầu khí đốt của EU trong mùa đông.
Năm 2022, EU cũng đã thông qua một quy định nhằm bảo đảm khả năng lưu trữ khí đốt ở EU được lấp đầy trước mùa đông và có thể được chia sẻ giữa các nước thành viên trên tinh thần đoàn kết. Đã có sự gián đoạn đáng kể đối với thị trường khí đốt thế giới do xảy ra cuộc xung đột Nga và Ukraine.
Trong khi đó, dự báo nhu cầu tiêu thụ khí đốt toàn cầu giảm. Trong báo cáo về nhu cầu khí đốt trong trung hạn, IEA giải thích, mặc dù căng thẳng thị trường đã hạ nhiệt trong 3 quý đầu năm nay, nhưng nguồn cung khí đốt vẫn tương đối thắt chặt và giá cả tiếp tục biến động mạnh. Điều này phản ánh sự cân bằng mong manh trên thị trường khí đốt toàn cầu.
Báo cáo Triển vọng thị trường khí đốt trung hạn hàng năm của IEA cho thấy, nhu cầu khí đốt toàn cầu đang trên đà tăng trung bình hàng năm là 1,6% từ năm 2022 đến năm 2026, chậm hơn so với mức tăng trung bình hàng năm là 2,5% trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021.
Xung đột Nga – Ukraine diễn ra vào năm 2022 đã khiến nguồn cung khí đốt qua đường ống từ Nga đến châu Âu giảm, gây ra cuộc chạy đua về nguồn cung cấp năng lượng thay thế.
Theo báo cáo, nhu cầu khí đốt nói chung từ các thị trường trưởng thành ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu và Bắc Mỹ đã đạt đỉnh điểm vào năm 2021 và được dự báo sẽ giảm 1% mỗi năm cho đến năm 2026.
Việc tăng tốc triển khai năng lượng tái tạo và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng là một trong những động lực chính dẫn đến xu hướng giảm giá khí đốt tự nhiên tại các thị trường này.
Đối với châu Âu, việc mất lượng khí đốt vận chuyển bằng đường ống từ Nga đã buộc các chính phủ phải tìm kiếm giải pháp thay thế để duy trì an ninh năng lượng.
IEA lưu ý rằng, mức tiêu thụ khí đốt trên các thị trường ở châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu và Bắc Mỹ sẽ giảm trong trung hạn do các nước trong khu vực này đang đẩy mạnh triển khai các dự án năng lượng tái tạo và nâng cao các tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng.
Theo IEA, đối với các thành viên châu Âu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nhu cầu khí đốt được dự báo giảm 5% trong năm 2023. Điều này phần lớn là do ngành điện của các nước này đã giảm mạnh lượng tiêu thụ khí đốt trong khi mở rộng phát triển năng lượng tái tạo.
Hoa Nguyễn