Thị trường vàng và dầu “dậy sóng” trong phiên giao dịch ngày 9/10 do lo ngại căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông.
Giá vàng tăng do nhu cầu trú ẩn an toàn
Giống như đồng USD hoặc trái phiếu kho bạc, vàng được coi là nơi lưu trữ giá trị an toàn trong bối cảnh bất ổn chính trị và kinh tế. Vào lúc 0 giờ 41 phút sáng 10/10 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 1,1% ở mức 1.853,20 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 29/9. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 1% ở mức 1.864,30 USD.
Chiến lược gia thị trường cấp cao Bob Haberkorn tại RJO Futures cho biết, có rất nhiều câu hỏi về điều gì có thể xảy ra tiếp theo ở Trung Đông, nếu tình hình tiếp tục leo thang thì giá vàng có thể tiến tới mức 1.900 USD.
Trọng tâm thị trường cũng sẽ tập trung vào biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang và dữ liệu lạm phát của Mỹ vào cuối tuần này. Theo công cụ CME Fedwatch, các nhà giao dịch hiện đang định giá khoảng 28% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất lần nữa trong năm nay. Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi.
Tuy giá vàng thế giới có chiều hướng tăng lên, nhưng một số chuyên gia dự đoán đây chỉ là mức tăng ngắn hạn, thậm chí giá vàng có thể giảm sâu sau đó khi phải đối mặt với lợi suất trái phiếu cao và sức mạnh của đồng bạc xanh.
Dự báo về xu hướng giá vàng, cuộc khảo sát giá vàng hằng tuần mới nhất của Kitco News không cho thấy một bức tranh rõ ràng nào về hướng đi của vàng trong tuần này khi cả chuyên gia phân tích thị trường và nhà đầu tư chia đều về triển vọng của kim loại quý này cho tuần kết thúc vào ngày 13/10.
Xung đột ở Trung Đông đẩy giá dầu lên cao
Giá dầu tăng hơn 4% vào thứ Hai khi xung đột Israel-Hamas kéo dài sang ngày thứ ba sau cuộc tấn công bất ngờ vào Israel của phiến quân Hamas của Palestine.
Giá dầu Brent tăng 4,2% ở mức 88,15 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI (Mỹ) tăng 4,3% lên 86,38 USD/thùng. Đây là mức tăng trong ngày lớn nhất đối với cả hai loại dầu chuẩn kể từ ngày 3/4.
Cả Israel và Palestine đều không phải là những nhà cung cấp lớn trên thị trường dầu lửa, tuy nhiên xung đột này xảy ra tại Trung Đông – “vựa” dầu lớn của thế giới, và xung đột có khả năng leo thang cao hơn. CEO Vandana Hari của công ty nghiên cứu thị trường Vanda Insights nhận định xung đột không ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất hay cung cấp dầu, nhưng “nằm ở cửa ngõ của một vùng sản xuất và xuất khẩu dầu lửa quan trọng”.
Israel có 2 nhà máy lọc dầu với tổng công suất khoảng 300.000 thùng/ngày. Theo số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (IEA), nước này gần như không sản xuất dầu thô hay khí ngưng tụ. Lãnh thổ Palestine cũng không sản xuất dầu.
Chuyên gia Tamas Varga của công ty môi giới dầu mỏ PVM cho biết, mặc dù tình hình cung cầu cơ bản không bị ảnh hưởng, nhưng bất kỳ sự gia tăng căng thẳng nào ở Trung Đông thường dẫn đến giá dầu tăng và lần này cũng không ngoại lệ.
Chuyên gia Alvin Tan, người đứng đầu chiến lược ngoại hối châu Á tại RBC Capital Markets, nhấn mạnh: “Quy mô hiện tại của cuộc xung đột không có tác động trực tiếp đến nguồn cung dầu toàn cầu, nhưng điều đáng lo ngại là nó có thể kéo theo Iran”.
Yến Anh