Trong phiên sáng 16/8, giá vàng thế giới tăng vọt dù chịu nhiều áp lực giảm. Giá dầu quay đầu đi xuống sau khi tăng hơn 1 USD vào phiên trước. Tại châu Âu, EUR/JPY giao dịch yếu hơn quanh mức 163,55, phá vỡ chuỗi 4 ngày tăng giá.
Nội dung bài viết
Giá vàng thế giới tăng mạnh
Vào lúc 8 giờ 33 phút ngày 16/8 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay đứng quanh ngưỡng 2.456,1 USD/ounce, tăng 9,6 USD/ounce so với đêm qua. Giá vàng giao tương lai tháng 12/2024 trên sàn Comex New York ở mức 2.497,3 USD/ounce.
Đà tăng của giá vàng giao ngay thu hẹp (tăng 0,3%) vào cuối phiên giao dịch 15/8, lên mức 2.454,40 USD/ounce, sau khi tăng tới 0,9% vào đầu phiên. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,5%, lên mức 2.492,40 USD/ounce.
Theo các báo cáo, doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng 1% trong tháng 7, sau khi điều chỉnh giảm 0,2% trong tháng 6. Số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đã giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng vào tuần trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 7 tăng 0,2%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 2,9%.
Các dữ liệu tích cực trên đối với nền kinh tế Mỹ đã đẩy chỉ số đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ tăng vọt, khiến vàng trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Mặc dù vàng đang chịu áp lực bởi lãi suất, chiến lược gia hàng hóa Ben Hoff của Societe Generale cho rằng, kim loại quý này vẫn đang được hỗ trợ đáng kể nhờ lực cầu trú ẩn an toàn do lo ngại căng thẳng địa chính trị.
Chuyên gia phân tích Waterer cho rằng, giá vàng có thể cán mốc 2.500 USD/ounce nếu các dữ liệu kinh tế củng cố sự lạc quan của thị trường vào khả năng cắt giảm 50 điểm cơ bản của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Giá dầu thế giới đảo chiều đi xuống
Vào lúc 9 giờ 01 phút ngày 16/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent được niêm yết ở mức 80,91 USD/thùng, giảm 0,16% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 77,96 USD/thùng, giảm 0,26% so với phiên liền trước.
Trước đó, giá dầu tăng hơn 1 USD/thùng vào phiên 15/8, sau khi dữ liệu kinh tế mới nhất của Mỹ xoa dịu lo ngại về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, đà tăng vẫn bị hạn chế do lo ngại nhu cầu dầu trên toàn cầu chậm lại.
Dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 1,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 9/8, so với ước tính giảm 2,2 triệu thùng, đánh dấu mức tăng lần đầu tiên kể từ cuối tháng 6.
Ông Tim Snyder, nhà kinh tế trưởng tại Matador Economics, cho biết: “Địa chính trị và nguy cơ xung đột mở rộng ở Trung Đông đang đẩy giá dầu lên cao, trong khi các mối đe dọa trả đũa tiếp tục gia tăng”.
Bên cạnh đó, tăng trưởng sản lượng chế tạo của Trung Quốc chậm lại trong tháng 7/2024, trong khi sản lượng lọc dầu giảm tháng thứ 4 liên tiếp, cho thấy đà phục hồi kinh tế còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế đà tăng của thị trường dầu thô vào ngày 15/8.
Forex: EUR/JPY dứt chuỗi 4 ngày tăng giá
Đồng yen Nhật Bản (JPY) tăng nhẹ sau khi dữ liệu mới nhất về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II của nước này mạnh hơn dự kiến, tăng 0,8% theo quý. Các số liệu GDP lạc quan ủng hộ khả năng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ tăng lãi suất trong thời gian tới.
Biểu đồ 4 giờ của EUR/JPY
EUR/JPY tiếp tục xu hướng tăng giá trên biểu đồ 4 giờ, với giá giữ trên đường trung bình động hàm mũ 100 kỳ quan trọng (EMA). Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) nằm trên đường giữa gần 68,50, cho thấy xu hướng giảm giá.
Một rào cản tăng giá tiềm năng đối với EUR/JPY xuất hiện ở mức tâm lý 164,00. Việc phá vỡ liên tục trên mức này sẽ chứng kiến sự tiếp tục của xu hướng tăng hướng tới mức 164,89, mức thấp nhất vào ngày 25/7. Các mức tăng kéo dài sẽ chứng kiến một đợt tăng giá hướng tới 166,56, mức cao nhất vào ngày 31/7.
Ngược lại, vùng 163,10-163,00 đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ ban đầu cho EUR/JPY. Rào cản giảm giá bổ sung cần theo dõi là 161,95, mức đáy trong ngày 15/8. Rào cản tiếp theo được nhìn thấy ở mức 160,59, mức đáy trong ngày 14/8.
Yến Anh