Trong phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng tiếp đà giảm từ cuối tuần trước, giá dầu đảo chiều đi lên sau tuần giảm mạnh. EUR/JPY giao dịch quanh mức 157,00, phục hồi đà giảm sau dữ liệu Chỉ số người quản trị mua hàng (PMI).
Nội dung bài viết
Giá vàng thế giới lao dốc
Trong phiên sáng 5/8, giá vàng giao ngay đứng quanh ngưỡng 2.433,1 USD/ounce, giảm 9,9 USD/ounce so với kết tuần trước. Giá vàng giao tương lai tháng 12/2024 trên sàn Comex New York ở mức 2.478,4 USD/ounce.
Giá vàng giảm do hoạt động bán ra chốt lời. Tuy nhiên, những lo ngại về kinh tế suy giảm và đồn đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất đã hạn chế đà giảm của giá vàng.
Theo công cụ CME FedWatch, các nhà giao dịch đang đoán định hơn 70% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 9/2024 so với mức 11,5% một tuần trước đó. Lãi suất thấp làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Chuyên gia Chris Vecchio tại Tastylive cho biết, bất kỳ sự suy yếu nào của vàng là cơ hội mua vào. Theo lịch sử, trong thời kỳ suy thoái, vàng là một trong những tài sản có hiệu suất tốt nhất trên thị trường tài chính toàn cầu.
Theo chiến lược gia trưởng Michele Schneider của MarketGauge, giá vàng có thể giao dịch trong mức kháng cự 2.450 USD/oune. Trong tương lai, giá vàng có thể lên mức 2.650-2.700 USD/oune.
Giá dầu quay đầu tăng khoảng 0,3%
Trong phiên sáng 5/8, giá dầu Brent được niêm yết ở mức 77,06 USD/thùng, tăng 0,33% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 73,71 USD/thùng, tăng 0,26% so với phiên liền trước.
Giá dầu đã tăng từ mức thấp nhất trong 7 tháng do căng thẳng ở Trung Đông ngày càng leo thang sau vụ ám sát thủ lĩnh của phong trào Hamas tại Tehran và cuộc không kích của Israel tại Beirut đã làm chỉ huy quân sự cấp cao của lực lượng Hezbollah thiệt mạng.
“Vàng đen” đã giảm giá 4 tuần liên tiếp do tín hiệu nhu cầu suy yếu ở Mỹ và Trung Quốc, hai nước tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới.
Giá dầu hiện gần như không thay đổi từ đầu năm đến nay, sau một thời gian tăng do Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (tức OPEC+) cắt giảm nguồn cung và lo ngại xung đột ở Trung Đông có thể ảnh hưởng đến sản lượng dầu từ khu vực này.
Forex: EUR/JPY dừng đà giảm trong ngày sau dữ liệu kinh tế châu Âu
Biểu đồ hàng giờ EUR/JPY
EUR/JPY kéo dài đà giảm trong ngày thứ 6 liên tiếp, giao dịch quanh mức 156,90 trong phiên giao dịch đầu giờ châu Âu ngày 5/8. Tuy nhiên, cặp tiền đã phục hồi đà giảm trong ngày sau khi dữ liệu Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Eurozone và Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Đức được công bố.
Chỉ số PMI tổng hợp của Eurozone đã tăng lên 50,2 trong tháng 7, cao hơn một chút so với mức dự kiến là 50,1. Chỉ số PMI tổng hợp của Đức đạt 49,1, tăng so với mức dự kiến là 48,7. Chỉ số PMI ngành dịch vụ đạt 52,5, tăng so với mức dự kiến và mức trước đó là 52,0.
Các nhà giao dịch dự đoán Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất 2 lần nữa vào năm 2024, lần tiếp theo có khả năng diễn ra vào tháng 9.
Đồng JPY tăng giá do kỳ vọng ngày càng tăng về việc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa, điều này có thể tiếp tục hỗ trợ cho đồng JPY trong thời gian tới. Biên bản cuộc họp tháng 6 của BoJ cho thấy một số nhà hoạch định chính sách bày tỏ lo ngại về việc giá nhập khẩu tăng do đồng JPY giảm gần đây, điều này có thể gây ra rủi ro tăng giá đối với lạm phát.
Ngoài ra, dòng tiền trú ẩn an toàn hỗ trợ cho đồng JPY trong khi gây áp lực giảm đối với cặp EUR/JPY, một xu hướng có thể liên quan đến căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông.
Yến Anh