Đồng USD và lợi suất trái phiếu giảm đã hỗ trợ giá vàng. Giá dầu tiếp tục đi xuống sau thông tin về nhu cầu nhiên liệu. AUD/JPY ghi nhận đợt giảm, chạm mức đáy trong 2 tuần là 103,89 trước khi ổn định tại 104,00.
Nội dung bài viết
Giá vàng tăng nhẹ
Chốt phiên 30/5, giá vàng giao ngay tăng 0,13%, lên 2.341,89 USD/ounce. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ tăng 0,1%, lên mức 2.366,5 USD/ounce.
Đồng USD giảm 0,4% sau khi chạm mức cao nhất trong 2 tuần vào đầu phiên, khi dữ liệu mới nhất từ kinh tế Mỹ làm tăng hy vọng rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chắc chắn sẽ hạ lãi suất trong năm nay. Lợi suất trái phiếu Mỹ cũng giảm. Trong khi đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ đã tăng trong tuần trước.
Sự chú ý đang đổ dồn về chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, dự kiến sẽ được công bố vào ngày 31/5. Dữ liệu này có thể làm sáng tỏ hơn về thời điểm cắt giảm lãi suất của Fed.
Theo CME FedWatch Tool, các nhà giao dịch hiện đặt cược khoảng 52% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng – vốn là tài sản không sinh lời.
Giá dầu giảm phiên thứ hai liên tiếp
Giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn giảm 1,74 USD, tương đương 2,1%, xuống mức 81,86 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 1,32 USD, tương đương 1,7%, xuống 77,91 USD/thùng.
Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, tồn kho dầu thô của nước này giảm nhiều hơn dự kiến trong tuần trước do các nhà máy lọc dầu tăng công suất hoạt động lên mức cao nhất trong hơn 9 tháng. Tuy nhiên, tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất tăng bất ngờ do nhu cầu suy yếu ngay cả khi sản lượng tăng.
Nhà phân tích Alex Hodes tại công ty môi giới StoneX nhận định: “Sự suy yếu của thị trường xăng dầu tiếp tục kéo phần còn lại của ngành dầu khí đi xuống”.
Các nhà phân tích đã dự kiến kỳ nghỉ Lễ Tưởng niệm của Mỹ hôm 27/5, thời điểm đánh dấu mùa dịch chuyển cao điểm Hè ở Mỹ, sẽ thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu. Tuy nhiên, thước đo nhu cầu xăng của EIA đã giảm khoảng 2% so với tuần trước, xuống còn 9,15 triệu thùng mỗi ngày.
Các nhà phân tích tại công ty môi giới tài chính ActivTrades cho biết, xu hướng tìm tới các tài sản rủi ro của các nhà đầu tư đã bị giảm bớt do triển vọng nới lỏng chính sách tiền tệ ở Mỹ và châu Âu bị trì hoãn.
Các nhà giao dịch tỏ ra thận trọng trước khi dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ được công bố vào ngày 31/5 (theo giờ địa phương). Họ cũng đang chờ đợi cuộc họp của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+ vào ngày 2/6.
Forex: Triển vọng kỹ thuật cho thấy xu hướng đi lên của AUD/JPY
Đồng đô la Úc (AUD) đã ghi nhận mức giảm khiêm tốn khoảng 0,17% so với đồng yen Nhật (JPY) vào ngày 30/5 và trượt xuống dưới 104,00 để chạm mức đáy trong 2 tuần là 103,89. Khi phiên giao dịch châu Á ngày 31/5 bắt đầu, AUD/JPY giao dịch ở mức 104,00, gần như không thay đổi.
Biểu đồ hàng ngày AUD/JPY
AUD/JPY có xu hướng tăng như được hiển thị trên biểu đồ hàng ngày, tuy nhiên vẫn chưa đạt được mức đỉnh từ đầu năm đến nay là 104,94. Ba ngày trước, AUD/JPY đã tăng mạnh lên mức 104,84, nhưng người mua không thể tiếp tục đẩy giá lên cao hơn, kết thúc phiên giao dịch trong sắc đỏ.
Điều đó đã hình thành mô hình biểu đồ hai nến được gọi là “Evening Star”, đẩy AUD/JPY xuống thấp hơn vào ngày 30/5, nhưng cuối cùng người mua đã giành lại quyền kiểm soát.
Chỉ báo sức mạnh tương đối (RSI) cho thấy phe đầu cơ giá lên đang chiếm ưu thế. Mức kháng cự tiếp theo của AUD/JPY sẽ là 104,50, sau đó là mức đỉnh kể từ đầu năm 2024 là 104,94. Ngược lại, nếu AUD/JPY kéo dài đà giảm vượt qua mức đáy của ngày 30/5 là 103,89, điều đó có thể làm trầm trọng thêm sự sụt giảm của cặp tiền đối với mức hỗ trợ Senkou Span A tại 103,27 trước khi thách thức đường Kijun-Sen tại 102,42.
Yến Anh