Trong phiên giao dịch 9/11, giá vàng thế giới đảo chiều tăng khá mạnh bất chấp nhiều thông tin kinh tế không hỗ trợ kim loại quý. Trong khi đó, giá dầu đi lên do nhu cầu của Trung Quốc có tín hiệu gia tăng.
Giá vàng đảo chiều tăng
Lúc 9h01′ ngày 10/11 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.959,6 USD/ounce, tăng 14,6 USD/ounce so với đêm qua. Giá vàng giao tương lai tháng 12 trên sàn Comex New York ở mức 1.964,7 USD/ounce.
Trong bài phát biểu ngày 9/1 (theo giờ địa phương), Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã nhắc lại sự cần thiết của lãi suất cao hơn để kiềm chế lạm phát. Ông Powell cho biết các quan chức Fed “không tự tin” rằng lãi suất đủ cao để khép lại chu kỳ thắt chặt tiền tệ nhằm chống lạm phát, qua đó đẩy đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ tăng cao hơn.
Nhà giao dịch kim loại độc lập Tai Wong có trụ sở tại New York đánh giá, bình luận ít ôn hòa hơn so với kỳ vọng của ông Powell đã ngăn cản đà tăng thêm của vàng, mặc dù kim loại quý này đã phá vỡ chuỗi 3 ngày giảm giá liên tiếp.
Giá vàng đã giảm hơn 40 USD/ounce sau khi chạm ngưỡng 2.000 USD/ounce trong tuần trước khi căng thẳng leo thang ở Trung Đông đã thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến “tài sản an toàn”. Vàng có khả năng duy trì trong phạm vi dưới 2.000 USD/ounce vì tình hình địa chính trị vẫn đang có ảnh hưởng lớn.
Ông Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa tại TD Securities cho biết thị trường xem xét các số liệu kinh tế và động thái tiếp theo của Fed. Vàng sẽ phản ứng dựa trên bất kỳ dữ liệu nào được công bố. Nếu không có sự suy giảm đáng kể trong các số liệu báo cáo, giá vàng sẽ khó có động lực tăng.
Hầu hết các nhà giao dịch đang đặt cược Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong năm nay, ngay cả sau bài phát biểu của ông Powell. Tuy nhiên, nhiều nhà giao dịch đặt cược lớn vào khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất lần đầu tiên vào tháng 6/2024 so với thời điểm tháng 5/2024 đưa ra trước đó. Lập trường cứng rắn của Fed sẽ gây áp lực mất giá lên vàng vì vàng là tài sản không mang lãi suất.
Giá dầu Brent leo lên trên mốc 80 USD/thùng
Giá dầu Brent đã khép phiên ngày 9/11 ở trên mốc 80 USD/thùng, sau khi những lo ngại về nhu cầu và nguy cơ xảy ra một cuộc chiến giảm dần đã kích hoạt một đợt bán tháo dầu hồi đầu tuần này. Giá dầu Brent biển bắc tăng 47 xu Mỹ (0,59%) lên 80,01 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 41 xu Mỹ (0,54%) lên 75,74 USD/thùng.
Tâm lý của các nhà đầu tư có vẻ dần ổn định sau hai phiên bị bán tháo mạnh trước đó. Điều này có tác động tích cực đến thị trường dầu. Mức tăng thấp phản ánh sự dè dặt của giới đầu tư trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu suy yếu.
Ông Jim Burkhard, Phó chủ tịch kiêm người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường dầu mỏ tại S&P Global Commodity Insights, cho rằng các nguyên tắc cơ bản của thị trường đã chi phối tâm lý nhà giao dịch trong suốt phiên 9/11 do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông đã giảm bớt.
Phiên này, giá dầu đi lên do nhu cầu của Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới – có tín hiệu gia tăng. Nhập khẩu dầu thô trong tháng 10 của Trung Quốc cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong khi đó, số liệu công bố ngày 9/11 cho thấy các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát tình trạng giảm phát, làm dấy lên nghi ngờ về cơ hội phục hồi kinh tế trên diện rộng ở quốc gia tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới này.
Thị trường toàn cầu vẫn lạc quan với niềm tin rằng các ngân hàng trung ương lớn đã hoàn tất việc tăng lãi suất. Lãi suất cao làm tăng chi phí vay, làm giảm nhu cầu trên các thị trường, bao gồm cả dầu thô.
Bên cạnh đó, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến sẽ đưa ra quan điểm về tình trạng cung và cầu dầu cơ bản vào tuần tới. OPEC dự kiến sẽ nhóm họp vào cuối tháng này để thảo luận về chính sách sản lượng cho năm tới.
Yến Anh