Đầu phiên giao dịch sáng 20/11 tại thị trường châu Á, giá vàng quay đầu giảm nhẹ sau khi đạt mức cao nhất trong 2 tuần trong phiên trước đó, do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng nhẹ. Giá dầu kỳ hạn nối dài đà tăng, trước khả năng Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, nhóm OPEC + tăng cường cắt giảm sản lượng để vực giá dầu vốn đã giảm trong 4 tuần do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung đã giảm bớt.
Vàng bớt “lấp lánh”
Giá vàng giao ngay đã giảm 0,2% xuống 1.975,80 USD/ounce vào lúc 7 giờ 43 sáng (giờ Việt Nam), sau khi tăng 2,2% vào tuần trước. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng giảm 0,3% xuống 1.978,50 USD/ounce.
Đồng USD yếu, gần mức thấp nhất trong hơn 2 tháng so với các đồng tiền chủ chốt, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 4,4647% sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tháng, làm giảm sức hấp dẫn của vàng, vốn là tài sản không sinh lời.
Chuyên gia Adam Button tại Forexlive.com dự đoán, thị trường vàng đã chín muồi để vượt qua mức 2.000 USD/ounce. Tuy nhiên, thị trường có thể cần xem dữ liệu kinh tế yếu hơn để tạo động lực bền vững.
Trong khi đó, chuyên gia Daniel Ghali tại TD Securities dự báo, trong 6 tháng tới giá vàng sẽ có khả năng tăng lên mức 2.100 USD/ounce.
Theo Công cụ FedWatch, thị trường dường như đã chắc chắn rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng 12 và định giá có ít nhất 15% khả năng lãi suất sẽ duy trì ở mức 5,25% -5,5% cho đến tháng 6/2024.
Trong tuần này, các nhà đầu tư chờ đợi Fed công bố biên bản cuộc họp gần đây nhất để biết rõ hơn về lộ trình lãi suất.
Giá dầu châu Á nối dài đà tăng
Giá dầu kỳ hạn phiên sáng 20/11 tại châu Á tiếp tục đà tăng. Cụ thể, giá dầu Brent kỳ hạn tăng 11 xu Mỹ (0,1%), lên 80,72 USD/thùng vào lúc 7 giờ 12 phút (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ tăng 8 xu Mỹ, lên 75,97 USD/thùng.
Cả hai hợp đồng dầu chốt phiên cuối tuần trước cùng tăng 4%, sau khi ba nguồn tin từ OPEC+ cho biết nhóm này sẵn sàng cân nhắc việc có cắt giảm thêm sản lượng hay không tại cuộc họp vào ngày 26/11.
Tuy nhiên, tính chung cả tuần trước, giá hai loại dầu chủ chốt giảm hơn 1%, và ghi nhận tuần giảm thứ 4 liên tiếp. Lượng dầu tại các kho dự trữ của Mỹ tăng và sản lượng duy trì ở mức cao kỷ lục đã đẩy giá dầu lao dốc. Giá dầu giảm gần 20% kể từ cuối tháng 9/2023.
Theo các nhà phân tích tại Goldman Sachs, các mô hình thống kê của ngân hàng này đối với các quyết định của OPEC cho thấy không loại trừ khả năng OPEC cắt giảm thêm sản lượng, khi dự trữ dầu cao hơn dự kiến. Dự báo cơ bản của Goldman Sachs là OPEC sẽ duy trì mức cắt giảm như hiện nay trong năm 2024 và quyết định cắt giảm riêng 1 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia sẽ được tiếp tục đến quý II/2024 và chỉ được điều chỉnh dần từ tháng 7/2024.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hồi tuần trước cho biết, tồn kho dầu thô của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 10/11 đã tăng 3,6 triệu thùng lên 421,9 triệu thùng. Sản lượng dầu thô của Mỹ đang giữ ở mức kỷ lục 13,2 triệu thùng/ngày đạt được trong tháng 10.
Do giá dầu thấp, các nhà sản xuất dầu của Mỹ đã cắt giảm số lượng giàn khoan đang hoạt động trong gần 1 năm. Tuy nhiên, Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết, tuần trước, số lượng giàn khoan dầu của Mỹ đã tăng 6 giàn, nhiều nhất kể từ tháng 2.
Trong tuần này, dự trữ xăng dầu của Mỹ, những diễn biến ở Trung Đông sẽ tiếp tục là những yếu tố tác động đến biến động của giá “vàng đen”.
Yến Anh