Trong phiên rạng sáng 29/11 (theo giờ Việt Nam), giá vàng tiếp tục tăng, chạm mức cao nhất hơn nửa năm qua, nhờ đồng bạc xanh yếu đi và những đồn đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã kết thúc chu kỳ nâng lãi suất. Trong khi đó, “vàng đen” tăng giá khoảng 2% trước khả năng OPEC+ gia hạn hoặc tăng cường cắt giảm nguồn cung, sản lượng dầu tại Kazakhstan giảm.
Giá vàng có khả năng xác lập kỷ lục mới
Vào lúc 2 giờ ngày 29/11 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 1,4% lên 2.041,55 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 10/5. Giá vàng giao tháng 12/2023 tăng 1,4% lên 2.040 USD/ounce.
Phiên này, chỉ số đồng USD, thước đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác, đã chạm mức thấp nhất kể từ giữa tháng 8/2023, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Các nhà đầu tư kỳ vọng rằng giá vàng sẽ vượt mức cao nhất từ trước đến nay là 2.074,88 USD/ounce ghi nhận hồi tháng 8/2020. Hầu hết họ xem mức 2.050 USD/ounce là ngưỡng bứt phá để giá vàng có thể xác lập mức cao kỷ lục mới.
Ông Jim Wyckoff, chuyên gia phân tích cấp cao của công ty Kitco Metals, nhận định triển vọng ngắn hạn của vàng vẫn thuận lợi, khi đồng USD đang có xu hướng đi xuống trước những kỳ vọng rằng Fed sẽ không nâng lãi suất nữa và thậm chí có thể sẽ hạ lãi suất vào mùa Xuân. Tuy nhiên, nếu các số liệu lạm phát và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ cao hơn dự đoán, sự quan tâm của giới giao dịch với vàng sẽ giảm xuống.
Các quan chức của Fed ngày càng có nhiều dấu hiệu sẽ khép lại năm nay với lãi suất giữ nguyên và thêm một thời gian nữa sẽ bắt đầu hạ lãi suất. Lãi suất giảm sẽ làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi như vàng.
Hồi tháng trước, bà Michele Schneider, chuyên gia nghiên cứu và đào tạo giao dịch của MarketGauge.com, dự đoán rằng giá vàng có thể chạm mức 3.000 USD/ounce nhờ sự hỗ trợ của đồng bạc xanh ổn định và lãi suất tăng.
Bên cạnh đó, căng thẳng tại Trung Đông cũng đang thúc đẩy giá vàng, vốn được xem là một tài sản trú ẩn an toàn trong những thời kỳ bất ổn. Các ngân hàng trung ương nằm trong số những người mua vàng nhiều nhất trong vài năm qua. Đứng đầu là Trung Quốc, tiếp đến là Ba Lan và Singapore.
Giá “vàng đen” tăng mạnh
Giá dầu Brent Biển Bắc chốt phiên tăng 1,70 USD, tương đương 2,1%, lên 81,68 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 1,55 USD, tương đương 2,1%, và đóng phiên ở mức 76,41 USD/thùng.
OPEC+ sẽ tổ chức một cuộc họp cấp bộ trưởng trực tuyến vào thứ Năm (30/11) để thảo luận về các mục tiêu sản xuất cho năm 2024. Cuộc đàm phán lần này được dự báo sẽ khó khăn và nhóm có khả năng cao sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng trước đó, hơn là gia tăng mức cắt giảm.
Chiến lược gia năng lượng Walt Chancellor tại Macquarie, cho biết trong một ghi chú rằng trọng tâm của thị trường xoay quanh việc tiếp tục cắt giảm tự nguyện thêm 1 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia. Nước này đang yêu cầu hạn ngạch sản lượng thấp hơn cho các nước OPEC+ khác.
Trong khi Kuwait phát đi tín hiệu đồng thuận với việc này, thì một số quốc gia dường như đang phản đối bất kỳ động thái nào như vậy. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất có thể phản đối điều này vì họ đã nâng mục tiêu sản xuất năm 2024.
Phiên 28/11, giá dầu cũng được hỗ trợ từ sự suy yếu của đồng USD, dự đoán lượng dầu thô dự trữ của Mỹ giảm và sự sụt giảm trong sản lượng dầu tại Kazakhstan.
Các mỏ dầu lớn nhất của Kazakhstan đã cắt giảm sản lượng dầu hàng ngày tổng cộng 56%. Trong khi đó, theo Viện Xăng dầu Mỹ (API), lượng dầu dự trữ của nước này đã giảm 817.000 thùng trong tuần trước.
Đồng bạc xanh lao dốc xuống mức thấp nhất 3 tháng qua, sau khi Fed để ngỏ khả năng hạ lãi suất trong vài tháng tới nếu lạm phát giảm hơn nữa. Đồng USD suy yếu thường làm tăng nhu cầu dầu, khiến mặt hàng này trở nên rẻ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Yến Anh