Theo một cuộc khảo sát mới nhất được công bố ngày 23/10, số người Canada nói rằng họ đang cảm thấy rất khó khăn trong việc thanh toán các khoản thế chấp hàng tháng đã tăng lên gần gấp đôi trong những tháng qua. Cường quốc kinh tế G7 đứng trước nhiều thử thách.
Cuộc khảo sát này do Angus Reid thực hiện cho thấy rằng 15% số người được hỏi trên toàn quốc đã bày tỏ việc họ cảm thấy vô cùng khó khăn trong thanh toán thế chấp hàng tháng. Kết quả một cuộc thăm dò tương tự của cơ quan này hồi tháng 3/2023 đã tiết lộ chỉ có khoảng 8% cảm thấy khó khăn về thanh toán thế chấp.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy mức lãi suất thế chấp hiện nay đang khiến 4 trong 5 người có thế chấp ở Canada cảm thấy lo lắng (40%) hoặc rất lo lắng” (39%) do họ nghĩ các khoản thanh toán sẽ tăng lên khi đến thời điểm gia hạn với ngân hàng.
Đối với những người chuẩn bị gia hạn các khoản vay (trong vòng 12 tháng tới), khoảng 57% tỏ ra “rất lo lắng” do khoản thanh toán hàng tháng sẽ tăng đáng kể.
Báo cáo khảo sát này cho rằng nhìn chung, người dân Canada đang suy sụp hơn bình thường về tình hình tài chính và triển vọng tương lại của họ. Mặc dù các nhà kinh tế kỳ vọng rằng Ngân hàng trung ương (BOC) sẽ giữ nguyên lãi mức suất cơ bản trong tuần này, nhưng nó không thể dập tắt được những lo lắng mà nhiều người dân đang nắm giữ thế chấp phải đối mặt.
Sau 10 lần tăng lãi suất liên tiếp, BOC đã giữ mức lãi suất cơ bản ở mức 5% trong lần công bố gần đây nhất, tháng 9/2023. Thời điểm đó, BOC lưu ý rằng sẽ không loại trừ khả năng tăng lãi suất trong tương lai. Tỷ lệ lạm phát hàng ở Canada đã tăng trong cả tháng 7 và tháng 8, nhưng đến tháng 9, nó đã giảm xuống còn 3,8%.
Cuộc khảo sát này cũng cho thấy rằng 64% số người được hỏi cảm thấy chi phí sinh hoạt ngày càng tăng là vấn đề hàng đầu mà Canada đang phải đối mặt, với mối quan tâm được lựa chọn nhiều thứ hai là chăm sóc sức khỏe, ở mức 46%.
Kết quả khảo sát còn cho thấy những vấn đề thiết thực gắn liền với cuộc sống hàng ngày và quyền lợi của người dân đã được quan tâm hơn, với việc có 32% bày tỏ lo ngại về khả năng chi trả cho nhà ở, trong khi chỉ khoảng 23% nói rằng biến đổi khí hậu là vấn đê cấp bách đối với người Canada.
Tính theo diện tích đất, Canada là quốc gia lớn thứ hai trên toàn cầu với đường bờ biển dài nhất thế giới. Được bao bọc bởi các đại dương, bao gồm cả Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, Canada có lợi thế thương mại to lớn, bên cạnh khả năng tiếp cận Bắc Cực, một vùng đất tiềm năng chưa được khai thác ở phía bắc. Canada là nước xuất khẩu năng lượng ròng, sở hữu trữ lượng dầu đã được xác nhận là lớn thứ ba thế giới và là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ năm thế giới. Không những vậy, đây còn là quốc gia có trữ lượng lớn các khoáng chất quan trọng cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.
Xét theo bất kỳ khía cạnh nào, vị trí địa lý của Canada cho thấy đây có thể là một siêu cường kinh tế. Nhưng rất ít ý kiến nhận định như vậy. Mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Canada đến năm 2060 nhiều khả năng sẽ ở mức thấp nhất trong số các quốc gia tiên tiến.
Theo PwC dự báo thứ hạng kinh tế toàn cầu của Canada sẽ tụt xuống vị trí thứ 22 vào giữa thế kỷ này. Trong đó, năng suất kém là trung tâm của những thách thức tăng trưởng mà nước này đang gặp phải.
Trung bình, trong một giờ, một công nhân Canada chỉ sản xuất được hơn 70% những gì người Mỹ có thể làm được – thấp hơn năng suất tại Khu vực đồng euro (Eurozone) và thậm chí cả ở Vương quốc Anh, dựa trên dữ liệu năm 2022. Nhiều người đã kỳ vọng nền kinh tế giàu tài nguyên của Bắc Mỹ sẽ được hưởng lợi khi quá trình toàn cầu hóa trở nên mạnh mẽ, nhưng năng suất lao động của Canada đã suy giảm kể từ năm 2000.
Một dấu hiệu tích cực là Canada là thành viên thuộc Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) duy nhất có các thỏa thuận thương mại đang còn hiệu lực với tất cả các thành viên G7 khác. Tuy nhiên, đáng tiếc là Canada đã không thể tận dụng được điều đó và nền kinh tế này còn nhiều sóng gió ở phía trước.
Hoa Nguyễn