Nhiều thành phố nổi tiếng tại châu Âu đã đưa ra các biện pháp hạn chế số lượng khách du lịch để đối phó với tình trạng quá tải trong mùa Hè năm nay. Du lịch bền vững đang là xu hướng tối ưu để hướng tới bảo tồn tự nhiên và các di sản.
Tại Venice ở Italy chính quyền thành phố đã ban hành quy định giới hạn số lượng khách tham quan hàng ngày. Trong khi, người dân Tây Ban Nha ở thủ đô Barcelona đã xuống đường biểu tình phản đối du lịch đại trà. Một số thành phố khác của châu Âu cũng cho biết đang xem xét tăng phí tham quan những công trình nổi tiếng, vốn trước đó vẫn được miễn phí.
Du lịch mang lại thu nhập cho nền kinh tế, nhưng tình trạng du lịch quá tải gây khá nhiều phiền nhiễu cho người dân địa phương.
Trong bài viết đăng trên tờ The Guardian, nhà báo Jon Henley cho biết, sau nhiều năm đàm phán, Venice – thành phố du lịch nổi tiếng của Italy – đã thông báo áp dụng phí vào cửa cho khách du lịch trong ngày, với mức giá là 5 euro/khách. Hoạt động bán vé bắt đầu đầu được triển khai từ ngày 25/4 và trong giai đoạn thử nghiệm đầu tiên chỉ áp dụng vào một số ngày nhất định cho đến 14/7.
Còn tại một thành phố khác của Italy là Florence, hội đồng thành phố vào tháng 10/2023 đã ban hành lệnh cấm các dịch vụ cho thuê cơ sở lưu trú ngắn hạn mới, bao gồm Airbnb và các nền tảng tương tự tại các trung tâm lịch sử địa phương.
Thị trưởng thành phố, Dario Nardella, cho biết sáng kiến này không phải là “thuốc chữa bách bệnh”, nhưng là “bước đi cụ thể” để giải quyết vấn nạn quá tải du lịch tại một thành phố có dân số khoảng 720.000 người, trung bình có hơn 16 triệu lượt du khách lưu trú qua đêm mỗi năm.
Tại Cinque Terre, một di sản khác của Italy dã được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận, chính quyền địa phương cũng cân nhắc cách thức quản lý tình trạng du lịch quá mức.
Quốc gia láng giềng của Italy, Hy Lạp – một trong những địa điểm được ghé thăm nhiều nhất trên thế giới – lượng khách du lịch tăng vọt không chỉ gây căng thẳng cho cơ sở hạ tầng tại các hòn đảo bình yên của nước này, mà còn làm gia tăng sức chứa ở thủ đô Athens, nơi cư dân địa phương đang phản đối dữ dội.
Để ứng phó với luồng khách du lịch đổ về dự kiến sẽ tăng lên khi các thị trường châu Á ngày càng phục hồi, Chính phủ Hy Lạp đã thông báo rằng các chính sách kiểm soát đám đông – được triển khai dưới hình thức thí điểm tại Acropolis vào tháng 9/2023 – sẽ được mở rộng sang các địa điểm khảo cổ khác vào tháng tiếp theo.

Du lịch tại châu Âu quá tải
Theo The New York Times, trong vài tháng qua, một số khu vực du lịch nổi tiếng của Tây Ban Nha đã dấy lên làn sóng phản đối khách du lịch. Những bức vẽ trên tường thể hiện sự phẫn nộ với du khách xuất hiện khắp các tòa nhà hoặc nơi công cộng. Nhiều người xuống đường kêu gọi chính quyền giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, quá tải và chi phí sinh hoạt đắt đỏ, được cho là do du lịch đại trà gây nên. Tuần trước, người dân Catalunya đã mang theo súng nước phun vào những du khách đang ăn uống ngoài trời.
Cảnh sát cho biết có khoảng 2.800 người biểu tình, một số người mang theo các biểu ngữ có nội dung như “Khách du lịch hãy về nhà”, “Bạn không được chào đón”… và dội nước vào những gia đình đang ăn uống trong các nhà hàng. Người dân địa phương cho rằng, khách du lịch ở khắp mọi nơi, chen chúc tại các tượng đài, đường phố và nhà hàng gây cảnh mất trật tự, đồng thời lo lắng du lịch đại trà có thể lấn át bản sắc của thành phố. Những điểm du lịch sinh thái khác tại Tây Ban Nha cũng đang chịu cảnh quá tải, chen chúc, ô nhiễm, xả rác bừa bãi…
Theo báo cáo “Xu hướng và triển vọng” của Ủy ban Du lịch châu Âu, lượng khách du lịch đến “lục địa già” đang bùng nổ khiến nơi đây đối mặt tình trạng quá tải. Các thành phố, thị trấn, công viên quốc gia, làng cổ và di sản đông đúc đang thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để ngăn chặn tình trạng quá tải du lịch.
Hoa Nguyễn