Thị trường thẻ ngân hàng ngày càng xuất hiện nhiều loại thẻ khác nhau như thẻ Debit, thẻ Credit, thẻ ATM, thẻ thanh toán, thẻ MasterCard, thẻ Visa, v.v. Sự đa dạng này có thể khiến người dùng cảm thấy hoang mang về việc nên lựa chọn loại thẻ nào phù hợp với nhu cầu của mình. Trong bài viết dưới đây, Giao Dịch Tài Chính sẽ giúp các bạn phân biệt rõ hai loại thẻ phổ biến là Debit và Credit, từ đó chọn được loại thẻ phù hợp với tiêu tài chính cá nhân của mình nhé!

Thẻ Debit và Credit khá phổ biến đối ở Việt Nam
Nội dung bài viết
Thẻ Debit là gì?
Thẻ Debit, còn được gọi là thẻ thanh toán, là loại thẻ yêu cầu người dùng phải có số dư tài khoản liên kết để thực hiện các giao dịch. Khi sử dụng thẻ Debit, số tiền trong tài khoản của bạn sẽ được trừ trực tiếp để thanh toán cho các hoạt động như thanh toán hóa đơn, chuyển tiền, rút tiền, v.v. Khi đăng ký mở thẻ Debit, ngân hàng có thể yêu cầu bạn nạp vào tài khoản một số tiền tối thiểu, chẳng hạn 50.000 đồng. Sau khi nhận được thẻ, thiết lập mã PIN và kích hoạt thẻ, bạn có thể tiếp tục nạp thêm tiền vào tài khoản để sử dụng.
Thẻ Debit được liên kết trực tiếp với tài khoản ngân hàng của người dùng. Để sử dụng thẻ Debit, người dùng cần phải nạp tiền vào tài khoản ngân hàng trước. Điều này khác biệt với thẻ tín dụng (Credit Card), khi người dùng được “mượn” tiền từ ngân hàng để chi tiêu. Với thẻ Debit, người dùng chỉ có thể sử dụng tối đa số tiền hiện có trong tài khoản.
Điều kiện mở thẻ Debit thường khá đơn giản tại các ngân hàng. Chỉ cần người dùng là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên. Để làm thẻ Debit, người dùng chỉ cần mang theo CMND/CCCD/Hộ chiếu và đến trực tiếp ngân hàng, nhân viên giao dịch sẽ tiến hành các thủ tục mở tài khoản và cấp thẻ Debit.
Thẻ Debit được chia làm 2 loại:
- Thẻ Debit nội địa: Loại thẻ này chỉ dành cho giao dịch, thanh toán sử dụng trong nước. Thẻ Debit nội địa thường có mức phí sử dụng thấp hoặc miễn phí. Tại Việt Nam, thẻ Debit nội địa thường được gọi là thẻ Napas.
- Thẻ Debit quốc tế: Đây là loại thẻ cho phép sử dụng trên toàn cầu. Khi sử dụng thẻ Debit quốc tế, người dùng có thể phải thanh toán một số khoản phí nhất định, như phí duy trì thẻ chẳng hạn. Các thương hiệu thẻ Debit quốc tế phổ biến bao gồm: MasterCard Debit, Visa Debit, JCB Debit.
Thẻ Credit là gì?
Thẻ Credit, còn được gọi là thẻ tín dụng, là loại thẻ có tính năng cho phép người dùng chi tiêu trước và trả tiền sau. Khi cấp thẻ, ngân hàng sẽ thiết lập một hạn mức tín dụng nhất định cho khách hàng để sử dụng. Đến kỳ hạn thanh toán định kỳ, khách hàng có trách nhiệm hoàn trả số tiền đã chi tiêu cho ngân hàng. Như vậy, người dùng không cần phải nạp tiền vào tài khoản trước mà vẫn có thể sử dụng thẻ để chi tiêu hằng ngày.
Ngoài nghĩa vụ thanh toán số tiền trong hạn mức chi tiêu, người dùng thẻ tín dụng còn phải chịu thêm một khoản lãi suất nếu không thanh toán đúng hạn. Trước khi cấp thẻ, ngân hàng thường xác nhận và đảm bảo khả năng chi trả khi đến kỳ hạn của khách hàng. Do đó, nếu khách hàng có những trường hợp đặc biệt như có nợ xấu quá nhiều, dư nợ tín dụng liên tục, thì họ sẽ không thể đăng ký mở thẻ Credit.
Thẻ Credit cũng được chia làm 2 loại chính theo phạm vi lãnh thổ:
- Thẻ tín dụng nội địa (Domestic Credit Card): Loại thẻ này chỉ có hiệu lực sử dụng trong phạm vi một lãnh thổ cụ thể và không thể sử dụng khi ra khỏi lãnh thổ đó.
- Thẻ tín dụng quốc tế (International Credit Card): Đây là loại thẻ có khả năng thanh toán quốc tế và được các tổ chức tài chính quốc tế như Visa, MasterCard, American Express, JCB, UnionPay liên kết với các ngân hàng trong nước phát hành. Với loại thẻ này, người sử dụng có thể thanh toán ở bất kỳ đâu trên toàn cầu.
Ngoài ra, nếu phân loại theo chức năng, thẻ Credit thường có Thẻ tín dụng tích điểm, Thẻ hoàn tiền, Thẻ du lịch, công tác, Thẻ tín dụng rút tiền mặt, Thẻ mua sắm online,…
Phân biệt thẻ Debit và thẻ Credit
Nhìn chung, cả hai loại thẻ tín dụng này đều có chức năng giúp khách hàng thanh toán thay cho tiền mặt. Người dùng chỉ cần mang theo thẻ để thực hiện các giao dịch hàng ngày như thanh toán hóa đơn, chuyển khoản, rút tiền tại ATM, thay vì phải cầm theo quá nhiều tiền mặt. Việc sử dụng thẻ tín dụng mang lại sự tiện lợi và an toàn cho khách hàng. Tuy nhiên có nhiều điểm khác nhau ở thẻ Debit và Credit người dùng cần lưu ý:
Tiêu chí | Debit | Credit |
Hình thức | Nạp tiền trước rồi mới được sử dụng. Nạp bao nhiêu sử dụng bấy nhiêu, không được phép vay thêm. Mọi giao dịch được trừ hoặc cộng trực tiếp vào tài khoản | Tiêu trước, trả sau. Được phép “vay tiền” để sử dụng. Mọi giao dịch được ngân hàng thanh toán. Sau đó, người dùng buộc phải hoàn trả lại số tiền khi đến hạn thanh toán |
Phí hàng tháng | Tùy thuộc vào ngân hàng, có ngân hàng thu phí, có ngân hàng miễn phí | Có |
Lãi suất | Không tính lãi suất | Chịu lãi suất tương ứng nếu không hoàn trả số tiền vay đúng thời gian quy định |
Chính sách ưu đãi | Rất ít | Thường xuyên: coupon, voucher mua sắm, tích điểm, hoàn tiền,… |
Thủ tục đăng ký | Đơn giản, chỉ cần CCCD/CMND | Phức tạp hơn thẻ debit vì ngoài giấy tờ tùy thân còn phải chứng minh thu nhập hàng tháng để được xét duyệt |
Xếp hạng tín dụng | Không bị ảnh hưởng đến điểm tín dụng cá nhân. | Thanh toán dư nợ đúng hạn giúp bạn có một lịch sử tín dụng tích cực, trong khi không trả nợ đúng hạn bạn có thể làm giảm xếp hạng. |
Nên làm thẻ Debit hay Credit?
Nếu người dùng chỉ muốn thực hiện các giao dịch cơ bản như rút tiền, chuyển khoản, thanh toán hàng hóa và dịch vụ, đồng thời muốn giới hạn chi tiêu theo số tiền có sẵn trong tài khoản ngân hàng, Debit Card sẽ là lựa chọn tốt. Việc sử dụng Debit Card giúp tránh rủi ro nợ nần, vì người dùng chỉ có thể chi tiêu số tiền đã có trong tài khoản.

Tùy vào mục đích cá nhân, người dùng có thể lựa chọn loại thẻ phù hợp
Mặt khác, nếu người dùng muốn tận dụng các tính năng linh hoạt, ưu đãi và lợi ích của thẻ tín dụng như mua nhà, mua xe, đi du lịch hay tích lũy điểm thưởng, Credit Card sẽ là lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, việc quản lý chi tiêu và thanh toán dư nợ đúng hạn là rất quan trọng để tránh phát sinh phí và lãi suất trả chậm, đồng thời duy trì điểm tín dụng tích cực. Đối với những người yêu thích du lịch và mua sắm, việc hiểu rõ về Credit Card là rất cần thiết.
Vì vậy, tùy theo mục tiêu cá nhân, hãy chọn cho mình loại thẻ phù hợp nhé!