Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 đã trải qua nhiều biến động. Biến động mạnh đến từ bên ngoài và cả các yếu tố từ nội tại. Cụ thể, xung đột Nga – Ukraine khiến giá hàng hóa tăng vọt, các ngân hàng trung ương lớn thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn kỳ vọng và rủi ro suy thoái ngày càng lớn dần khiến tâm lý đầu tư chuyển sang thận trọng. Trong nước, động thái của Chính phủ trong việc lành mạnh hóa thị trường vốn (trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán) và bất động sản khiến dòng tiền đầu cơ biến động và kéo theo hoạt động bán giải chấp rất mạnh từ các công ty chứng khoán. Trong khi đó, một phần dòng tiền cũng đã quay lại sản xuất kinh doanh nhằm phục hồi kinh tế hậu Covid-19.
Tạm biệt năm 2022 đầy biến động và bất ổn
Trong phần lớn năm 2022, lạm phát tăng vọt là nguyên nhân khiến cổ phiếu sụt giảm– đặc biệt là cổ phiếu lĩnh vực công nghệ – cũng như tiền điện tử.
Lạm phát cao có nghĩa là mọi người có thu nhập khả dụng thấp hơn để đầu tư. Điều đó cũng có nghĩa là Fed và các ngân hàng trung ương khác tăng lãi suất rất mạnh, làm giảm sức mua của người tiêu dùng trong khi tăng chi phí vay cho các doanh nghiệp và chính phủ.
Cuối cùng, lợi suất trái phiếu chính phủ sẽ tăng cao, làm giảm sức hấp dẫn của các tài sản không trả cổ tức hoặc lợi suất thấp. Nhưng khi lạm phát của Hoa Kỳ bắt đầu giảm, các nhà đầu tư nhanh chóng đảo ngược giao dịch của họ, ưu tiên cổ phiếu, kim loại và ngoại tệ hơn đồng đô la.
Để các nhà đầu tư tiếp tục đổ tiền vào cổ phiếu, giờ đây chúng ta cần chứng kiến sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ để giúp tăng doanh thu và lợi nhuận cho các doanh nghiệp. Điều này có vẻ khó xảy ra khi giá cả khó có thể quay trở lại mức trước đây (dù tỷ lệ lạm phát đang được kiểm soát để giảm mạnh).
Các ngân hàng trung ương sẽ duy trì các chính sách thắt chặt tiền tệ của họ và các chính phủ vốn đã chi một lượng lớn tiền vay trong thời kỳ đại dịch, sẽ không bơm tiền mặt ra thị trường. Một rủi ro khác là chúng ta sẽ chứng kiến việc thắt chặt chính sách quyết liệt khi Fed và một số ngân hàng trung ương lớn khác cố gắng kiềm chế lạm phát. Fed đã phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất mạnh hơn nữa và chính sách thắt chặt sẽ còn duy trì trong một thời gian dài.
Nói cách khác, có rất nhiều rủi ro mà các nhà đầu tư phải đối mặt. Ở châu Âu, DAX vẫn gặp rủi ro. Có vẻ như ECB vẫn chưa hoàn thành việc thắt chặt chính sách khi Chủ tịch Christine Lagarde cảnh báo rằng việc tăng lãi suất 50 điểm cơ bản nên được tiếp tục trong một thời gian.
Sản lượng kinh tế thấp hơn kết hợp với lạm phát cao đồng nghĩa với việc thị trường sẽ có nhiều khả năng sẽ tiếp tục suy giảm trong thời gian tới.
Chỉ số Nikkei của Nhật Bản được hỗ trợ trong suốt những năm qua bởi chính sách nới lỏng mạnh của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, tuy nhiên sắp tới có thể có sự đảo chiều lớn.BoJ đã điều chỉnh một chút chính sách đường cong lợi suất của mình , một động thái mà các thị trường hiểu là bước đệm để bắt đầu kết thúc chính sách tiền tệ nới lỏng.
Kỳ vọng vào sự khởi sắc trong năm 2023
Sang năm 2023, nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam dự kiến vẫn đối diện nhiều thách thức hơn như: mức lạm phát dự kiến sẽ đạt đỉnh, lượng trái phiếu đến hạn vào năm 2023 cũng đạt mức cao nhất,… Bên cạnh đó, có rủi ro suy thoái trên toàn cầu và nhu cầu tiêu dùng trong nước bị ảnh hưởng tiêu cực từ lạm phát. Trên thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa phản ánh hết các thách thức và rủi ro kể trên.
Mặc dù năm 2022 còn nhiều khó khăn với xu hướng giảm điểm, song giới chức cũng chỉ ra một loạt những yếu tố tích cực có thể ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán năm 2023.
Theo đó, tình hình lạm phát Mỹ đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong một vài tháng vừa qua, Fed được kỳ vọng sẽ điều chỉnh giảm cường độ tăng lãi suất. Áp lực tỷ giá trong nước theo đó cũng sẽ giảm dần và đây sẽ là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Bên cạnh đó, nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á của IMF (tháng 10/2022) dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam cao nhất trong ASEAN, đạt 7% trong năm 2022 và 6,2% trong năm 2023.
Ngoài ra, chỉ số đánh giá mối quan hệ thị trường của cổ phiếu và lợi nhuận thu được trên mỗi cổ phiếu (chỉ số P/E) của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện ở mức 11,3 và được đánh giá là hấp dẫn, thấp hơn so với hầu hết thị trường khác trên thế giới.