Trong phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng tiếp tục tăng bởi tác động tình hình xung đột tại Trung Đông leo thang. Ngược lại, giá dầu trượt nhẹ do các nhà đầu tư đã chốt lời sau 2 phiên tăng giá vào cuối tuần trước.
Căng thẳng ở Trung Đông gia tăng hỗ trợ giá vàng
Giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 2.051 USD/ounce vào lúc 9 giờ ngày 15/1 (theo giờ Việt Nam), tăng 3 USD so với cuối tuần trước.
Chốt phiên cuối tuần trước (ngày 12/1), giá vàng giao ngay tăng 1% lên 2.048,21 USD/ounce. Giá vàng hầu như đi ngang trong tuần trước, nhưng nối dài mức giao dịch trên 2.000 USD/ounce lên gần 1 tháng. Giá vàng giao kỳ hạn tăng 1,6% lên 2.051,60 USD/ounce.
Giá vàng tăng trong bối cảnh xung đột ở Trung Đông leo thang khiến các nhà đầu tư đẩy mạnh hoạt động mua vào kim loại quý để bảo toàn tài sản và lạm phát giá sản xuất tại Mỹ giảm đã thúc đẩy kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể hạ lãi suất sớm hơn.
Nhà phân tích Bart Melek tại Ngân hàng Đầu tư TD Securities (Canada) cho rằng, sự gia tăng rủi ro địa chính trị đang thúc đẩy giá vàng tăng, đồng thời Fed có thể sẵn sàng để bắt đầu điều tiết chính sách tiền tệ thắt chặt.
Theo khảo sát giá vàng hàng tuần của Kitco, đa số các chuyên gia phân tích kỳ vọng giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Trong khi đó, các nhà đầu tư bán lẻ lại bày tỏ tâm lý thận trọng khi cho rằng, giá vàng có thể đi ngang.
“Vàng đen” đảo chiều giảm giá
Vào lúc 7 giờ 30 ngày 15/1 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ giao dịch ngưỡng 72,62 USD/thùng; giá dầu Brent chuẩn toàn cầu ở mức 78,25 USD/thùng. Cả 2 hợp đồng đều giảm dưới 10 xu Mỹ so phiên cuối tuần trước.
Tính chung cả tuần trước, giá dầu Brent giảm 0,5% và giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,1% dù tăng khoảng 1% trong phiên cuối tuần (12/1), khi Anh và Mỹ tăng cường tiến hành các hoạt động quân sự nhắm vào khu vực do lực lượng Houthi kiểm soát ở Yemen.
Các chuyên gia lo ngại những xung đột ở Trung Đông có thể leo thang thành một cuộc khủng hoảng khu vực sẽ làm gián đoạn nguồn cung dầu mỏ. Tuần trước, mỏ dầu Sharara công suất 300.000 thùng/ngày của Libya đã bị đóng cửa. Đây là một trong những mỏ lớn nhất nước này, vốn là mục tiêu bất ổn thường xuyên mỗi khi xảy ra căng thẳng chính trị.
Lực lượng Houthi đã tiến hành cuộc tấn công lớn nhất vào các tuyến đường vận chuyển thương mại ở Biển Đỏ. Thương mại toàn cầu đã giảm 1,3% trong giai đoạn tháng 11-12/2023 do các cuộc xung đột của phiến quân nhằm vào tàu chở hàng ở Biển Đỏ, dẫn đến khối lượng hàng hóa vận chuyển trong khu vực sụt giảm.
Ngân hàng Citi mới đây đã cắt giảm dự báo giá dầu Brent năm 2024 khoảng 1 USD xuống còn 74 USD/thùng và giảm dự báo giá cho năm 2025 xuống 60 USD/thùng do lo ngại về tình trạng dư cung.
Ngân hàng Barclays cũng đã hạ dự báo giá dầu Brent năm 2024 khoảng 8 USD xuống còn 85 USD/thùng. Barclays nhận định nhu cầu chậm lại, tình trạng bất ổn ở Trung Đông và phản ứng im lặng của giá khiến các nhà sản xuất, người tiêu dùng và những người tham gia thị trường đều cảm thấy khó đoán định về diễn biến giá dầu trong tương lai.
Trong báo cáo tháng về thị trường dầu mỏ công bố hồi tháng 12/2023, OPEC dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày trong năm 2024 lên mức trung bình 104,36 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, trong một bài phân tích đăng tải trên trang Business Insider hồi đầu tháng 1/2024, giới chuyên gia cho rằng giá dầu thô đã giảm 10% trong năm 2023 và có thể biến động mạnh hơn trong năm 2024.
Yến Anh