Trong phiên 16/11, giá vàng thế giới đi lên do đồng USD yếu và lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm. Trong khi đó, giá “vàng đen” giảm mạnh 5% về mức thấp nhất trong 4 tháng, trong bối cảnh thị trường quan ngại về nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sau số liệu yếu kém từ Mỹ và Trung Quốc.
Giá vàng tăng mạnh khi lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt
Chốt phiên 16/11, giá vàng giao tháng 12/2023 tại sàn COMEX thuộc thị trường New York (Mỹ) tăng 23 USD (1,17%), neo ở mức 1.987,30 USD/ounce.
Giá kim loại quý màu vàng leo tăng lên mức cao nhất trong 2 tuần khi được thúc đẩy bởi lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm trong bối cảnh triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất và sẽ tiến hành việc cắt giảm lãi suất vào mùa xuân năm sau ngày càng tăng cao.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 10/2023 của Mỹ đều yếu hơn dự kiến, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu cao hơn dự kiến một lần nữa củng cố kỳ vọng của thị trường rằng Fed có thể giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tháng 12/2023 và chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất.
Chiến lược gia hàng hóa của Ngân hàng Saxo Ole Hansen dự đoán, vàng sẽ duy trì mức tăng mạnh gần đây, miễn là giá giữ trên 1.930 USD/ounce.
Chuyên gia Daniel Ghali, tại TD Securities có chung quan điểm rằng các dữ liệu kinh tế công bố đang hỗ trợ cho kim loại quý. Trong 6 tháng tới, giá vàng sẽ có khả năng tăng lên mức 2.100 USD/ounce.
Trong khi đó, nhà phân tích cấp cao Matt Simpson của công ty tài chính City Index đánh giá, sự biến động của vàng đã giảm bớt sau báo cáo CPI của Mỹ. Giá vàng đang giao dịch ở mức khoảng 1.960 USD/ounce bất chấp nỗ lực “lấy lại sức” của đồng USD. Nếu không có chất xúc tác mới, vàng dường như thiếu động lực để tăng giá.
Một số chuyên gia khác nhận định rằng triển vọng sẽ vẫn tích cực đối với vàng nhưng các bước di chuyển sẽ thận trọng hơn.
Giá dầu nới rộng đà giảm từ hai phiên trước
Theo dữ liệu Oilprice, vào lúc 9h ngày 17/11 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent giao dịch ở mức 77,57 USD/thùng, giá dầu WTI ở mức 73,01 USD/thùng. Giá dầu giảm khoảng 5% trong phiên này xuống mức thấp nhất trong 4 tháng. Giới phân tích cho rằng, tồn kho dầu thô của Mỹ cao hơn dự kiến và những lo ngại về nhu cầu yếu ở Trung Quốc là những yếu tố đẩy giá dầu lao dốc.
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều đưa ra dự đoán nguồn cung sẽ thắt chặt trong quý IV/2023.
Tuy nhiên, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố ngày 15/11 cho thấy dự trữ dầu của nước này vẫn dồi dào. Dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 3,6 triệu thùng trong tuần trước lên 421,9 triệu thùng, vượt xa dự đoán tăng 1,8 triệu thùng của các nhà phân tích trước đó. Sản lượng dầu thô của nước này giữ ổn định ở mức kỷ lục 13,2 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, dữ liệu kinh tế yếu của Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới – đã góp phần củng cố tâm lý tiêu cực của giới đầu tư. Số liệu công bố ngày 16/11 cho thấy, giá nhà mới trong tháng 10 tại nước này đã giảm tháng thứ 4 liên tiếp, doanh số bán bất động sản theo diện tích sàn giảm 20,33% so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến sản lượng lọc dầu của Trung Quốc bị chậm lại so với mức cao của tháng trước đó do nhu cầu nhiên liệu công nghiệp suy yếu và lợi nhuận lọc dầu giảm.
Ngoài ra, sản lượng dầu từ Venezuela có dấu hiệu gia tăng sau khi Mỹ nới lỏng các biện pháp hạn chế có thể giúp bù đắp sự thiếu hụt về nguồn cung do sự thắt chặt sản lượng của OPEC.
Yến Anh