Giá vàng đi lên nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn giúp kim loại quý này chịu áp lực trước số liệu GDP của Mỹ tăng mạnh. Ngược lại, giá dầu lao dốc hơn 2% trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông dịu bớt trong khi nhu cầu năng lượng của Mỹ có dấu hiệu suy yếu.
Giá vàng tăng nhẹ
Giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.986,39 USD/ounce vào lúc 0 giờ 50 phút sáng 27/10 (theo giờ Việt Nam). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,1% lên mức 1.997,4 USD/ounce.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết nền kinh tế nước này đã phục hồi mạnh mẽ trong quý III/2023, với mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 4,9%, mức cao nhất kể từ quý IV/2021, nhờ chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ và thị trường lao động vững chắc, bất chấp lãi suất và áp lực lạm phát vẫn ở mức cao.
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại nền tảng giao dịch OANDA, nhận định tăng trưởng quý III ở mức gần 5% đã vẽ nên bức tranh về một nền kinh tế Mỹ đang rất “khỏe mạnh”. Điều này củng cố quan điểm cho những đồn đoán rằng lãi suất sẽ được duy trì ở mức cao trong thời gian lâu hơn và gây bất lợi cho vàng.
Ông Moya bày tỏ ngạc nhiên khi giá vàng không giảm mạnh trong phiên 26/10 mà thậm chí còn tăng. Theo ông, có thể giới đầu tư nhận ra rằng các rủi ro địa chính trị sẽ không sớm biến mất trong ngắn hạn.
Chỉ số đồng USD đã tăng 0,1% trong phiên này. Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ, bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.
Hai tuần gần đây, giá vàng đã tăng 9% khi các nhà đầu tư tìm nơi ẩn náu trước những rủi ro liên quan tới xung đột giữa Israel và Hamas. Nhà môi giới hàng hóa cao cấp Daniel Pavilonis tại RJO Futures cho rằng, giá vàng sẽ tiếp tục bị chi phối bởi địa chính trị. Khi tình hình leo thang, giá vàng sẽ tăng cao hơn.
Các nhà đầu tư đang chuyển sự chú ý sang chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ sẽ được công bố vào ngày 27/10 để tìm thêm những tín hiệu về triển vọng chính sách của Fed trước cuộc họp vào tuần tới.
Giá dầu lao dốc
Giá dầu Brent kỳ hạn chốt ở mức 87,93 USD/thùng, giảm 2,20 USD, tương đương 2,44%. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 2,18 USD, tương đương 2,55%, kết phiên ở mức 83,21 USD/thùng.
“Vàng đen” đã liên tiếp tăng giá trong giai đoạn gần đây do lo ngại về cuộc xung đột Israel-Hamas có thể lôi kéo Iran và các đồng minh của họ trong khu vực tham gia, từ đó ảnh hưởng rộng lớn đến nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Tuy nhiên, ngày 26/10 khi Mỹ và các quốc gia khác lên tiếng thúc giục Israel trì hoãn cuộc đổ quân vào Gaza giữa bối cảnh cuộc xung đột đã kéo dài gần 3 tuần, khiến nỗi lo ngại này giảm bớt.
Lượng dầu thô dự trữ của Mỹ tăng trong tuần gần nhất cho thấy nhu cầu đang yếu hơn. Theo báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), lượng dầu dự trữ của nước này đã tăng 1,4 triệu thùng lên 421,1 triệu thùng, vượt mức tăng 240.000 thùng mà các nhà phân tích dự đoán trước đó.
Các nhà đầu tư sẽ hướng chú ý vào kế hoạch sản xuất trong năm tới của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+). OPEC+, dẫn đầu là Saudi Arabia và Nga, đã cắt giảm sản lượng 1,3 triệu thùng/ngày vào đầu năm nay. Hồi tháng 9/2023, OPEC+ đã quyết định kéo dài kế hoạch giảm sản lượng cho đến cuối năm. Nếu nhóm tiếp tục kéo dài kế hoạch giảm sản lượng sang năm tới, giá dầu sẽ tăng.
Yến Anh