Mục Lục
- Quy tắc 1: luôn sử dụng một kế hoạch giao dịch
- Quy tắc 2: xem giao dịch như một hoạt động kinh doanh
- Quy tắc 3: sử dụng công nghệ làm lợi thế
- Quy tắc 4: bảo vệ vốn giao dịch
- Quy tắc 5: trở thành sinh viên của thị trường
- Quy tắc 6: chỉ mạo hiểm những gì trader có thể chấp nhận mất
- Quy tắc 7: phát triển một phương pháp giao dịch dựa trên dữ liệu
- Quy tắc 8: Luôn sử dụng lệnh dừng lỗ
- Quy tắc 9: biết khi nào nên dừng giao dịch
- Quy tắc 10: giao dịch tùy theo bối cảnh
- Kết luận
Hãy xem giao dịch như một hoạt động kinh doanh, không phải một sở thích hay một công việc làm thuê; tìm hiểu mọi thứ về hoạt động kinh doanh đó; và đặt kỳ vọng thực tế cho hoạt động kinh doanh của bạn.
Bất kỳ ai muốn trở thành một nhà giao dịch (trader) chứng khoán có lợi nhuận cũng chỉ cần dành vài phút trực tuyến là đã có thể tìm thấy các cụm từ như “lập kế hoạch giao dịch của bạn; giao dịch theo kế hoạch của bạn” và “giữ lỗ của bạn ở mức tối thiểu”. Đối với các trader mới, những mẩu tin nhỏ này có vẻ giống một sự phân tâm hơn là một lời khuyên hữu ích. Nếu mới bắt đầu giao dịch, có lẽ trader chỉ muốn biết cách nhanh chóng kiếm tiền.
Mỗi quy tắc dưới đây đều quan trọng, nhưng khi kết hợp với nhau, chúng sẽ có tác động thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Ghi nhớ các quy tắc này có thể làm tăng đáng kể xác suất thành công của trader trên thị trường.
Quy tắc 1: luôn sử dụng một kế hoạch giao dịch
Kế hoạch giao dịch là một tập hợp các quy tắc bằng văn bản chỉ định các tiêu chí vào, thoát và quản lý tiền cho mọi giao dịch của một trader.
Với công nghệ ngày nay, trader có thể dễ dàng thử nghiệm một ý tưởng giao dịch trước khi mạo hiểm với tiền thật. Phương pháp này, được gọi là backtesting, cho phép trader thử nghiệm ý tưởng giao dịch của mình sử dụng dữ liệu trong quá khứ và xác định xem nó có khả thi hay không. Khi một kế hoạch đã được phát triển và backtesting cho thấy kết quả tốt, kế hoạch đó có thể được sử dụng trong giao dịch thực tế.
Chú ý: Đôi khi kế hoạch giao dịch của bạn không có hiệu quả. Hãy bỏ qua nó và bắt đầu lại từ đầu.
Vấn đề mấu chốt ở đây là bám sát kế hoạch. Thực hiện các giao dịch không tuân theo kế hoạch giao dịch được coi là một chiến lược yếu kém ngay cả khi chúng là những giao dịch thành công.
Quy tắc 2: xem giao dịch như một hoạt động kinh doanh
Để thành công, trader phải tiếp cận giao dịch như một hoạt động kinh doanh toàn thời gian hoặc bán thời gian, không phải như một sở thích hay một công việc làm thuê.
Nếu xem giao dịch như một sở thích, trader sẽ không thực sự cam kết cho việc học hỏi. Nếu xem nó là một công việc làm thuê, giao dịch có thể sẽ khiến trader nản lòng vì không tạo ra tiền lương đều đặn.
Giao dịch là một hoạt động kinh doanh và trader phải gánh chịu chi phí, thua lỗ, thuế, sự không chắc chắn, stress và rủi ro. Một trader thực chất là một chủ doanh nghiệp nhỏ và trader phải nghiên cứu và lập chiến lược để tối đa hóa tiềm năng hoạt động kinh doanh của mình.
Quy tắc 3: sử dụng công nghệ làm lợi thế
Giao dịch là một ngành kinh doanh rất cạnh tranh. Trader hoàn toàn có thể giả định rằng người ngồi ở phía bên kia của giao dịch đang tận dụng tối đa tất cả các công nghệ hiện có.
Các nền tảng biểu đồ cung cấp cho các trader vô số cách để xem và phân tích thị trường. Backtesting một ý tưởng bằng cách sử dụng dữ liệu trong quá khứ sẽ giúp hạn chế những sai lầm tốn kém. Nhận thông tin cập nhật thị trường qua điện thoại thông minh cho phép trader theo dõi giao dịch ở bất kỳ đâu. Công nghệ mà mọi người coi là đương nhiên phải có, chẳng hạn như kết nối internet tốc độ cao, có thể làm tăng đáng kể hiệu suất giao dịch cho trader.
Sử dụng công nghệ làm lợi thế – và luôn cập nhật với các sản phẩm mới – có thể rất thú vị và mang lại phần thưởng trong giao dịch.
Quy tắc 4: bảo vệ vốn giao dịch
Tiết kiệm đủ tiền để cấp vốn cho một tài khoản giao dịch cần rất nhiều thời gian và công sức. Việc này có thể sẽ còn trở nên khó khăn hơn nếu trader phải làm điều đó hai lần.
Điều quan trọng cần lưu ý là bảo vệ vốn giao dịch không đồng nghĩa với việc không bao giờ trải qua giao dịch thua lỗ. Mọi trader đều phải trải qua giao dịch thua lỗ. Bảo vệ vốn đồng nghĩa với việc trader không được chấp nhận rủi ro không cần thiết và làm mọi thứ có thể để duy trì hoạt động giao dịch của mình.
Quy tắc 5: trở thành sinh viên của thị trường
Hãy coi giao dịch như một chương trình giáo dục thường xuyên. Các trader cần duy trì tập trung vào việc học hỏi thêm mỗi ngày. Điều quan trọng cần nhớ là hiểu thị trường, và tất cả những điều phức tạp có liên quan, là một quá trình liên tục và kéo dài suốt đời.
Nghiên cứu cứng cho phép trader hiểu về các sự kiện như ý nghĩa của các báo cáo kinh tế khác nhau. Tập trung và quan sát sẽ cho phép trader mài giũa bản năng của họ và tìm hiểu các sắc thái khác nhau của sự kiện.
Chính trị thế giới, các sự kiện tin tức, xu hướng kinh tế – thậm chí cả thời tiết – tất cả đều có tác động đến thị trường. Môi trường thị trường rất năng động. Do đó, một trader càng hiểu rõ về thị trường trong quá khứ và hiện tại thì càng được chuẩn bị tốt hơn để đối mặt với tương lai.
Quy tắc 6: chỉ mạo hiểm những gì trader có thể chấp nhận mất
Trước khi bắt đầu giao dịch bằng tiền thật, hãy đảm bảo rằng tất cả số tiền trong tài khoản giao dịch đó thực sự có thể để mất được. Nếu không, trader nên tiếp tục tiết kiệm cho đến khi đạt được điều kiện tài chính đó.
Tiền trong tài khoản giao dịch không được là tiền dùng để trả học phí đại học của con cái hoặc trả tiền thế chấp. Trader không bao giờ được phép nghĩ rằng họ chỉ đơn giản là đang vay tiền từ những nghĩa vụ quan trọng khác.
Mất tiền đã là đủ đau thương. Và trader sẽ còn đau hơn nếu mất số vốn mà lẽ ra họ không bao giờ nên mạo hiểm ngay từ đầu.
Quy tắc 7: phát triển một phương pháp giao dịch dựa trên dữ liệu
Dành thời gian để phát triển một phương pháp giao dịch hợp lý sẽ rất xứng đáng với công sức trader bỏ ra. Trader có thể bị cám dỗ tin vào những trò lừa đảo giao dịch “làm giàu không khó” đang phổ biến trên internet. Nhưng các dữ liệu, chứ không phải cảm xúc hay hy vọng, mới nên là nguồn cảm hứng đằng sau việc phát triển một kế hoạch giao dịch.
Những trader nào không cần phải học hành trong vội vã thường có thời gian dễ dàng hơn để sàng lọc tất cả các thông tin sẵn có trên internet. Hãy cân nhắc điều này: nếu bắt đầu một sự nghiệp mới, nhiều khả năng một người sẽ cần phải học tại một trường cao đẳng hoặc đại học trong ít nhất một hoặc hai năm trước khi đủ điều kiện để ứng tuyển vào một vị trí trong lĩnh vực mới. Học cách giao dịch cũng đòi hỏi ít nhất cùng một khoảng thời gian như vậy để học tập và nghiên cứu với các dữ liệu thực tế.
Quy tắc 8: Luôn sử dụng lệnh dừng lỗ
Lệnh dừng lỗ là mức rủi ro được xác định trước mà trader sẵn sàng chấp nhận với mỗi giao dịch. Mức dừng lỗ có thể là một mức giá cụ thể hoặc một tỷ lệ phần trăm. Tuy nhiên, dù được xác định bằng cách nào thì nó cũng sẽ giới hạn mức độ rủi ro trader phải chịu trong quá trình giao dịch. Sử dụng lệnh dừng lỗ có thể giúp trader bớt căng thẳng khi giao dịch vì trader biết rằng mình sẽ chỉ mất số tiền X trên bất kỳ giao dịch nhất định nào.
Không có một lệnh dừng lỗ là một cách tiếp cận không tốt, ngay cả khi nó dẫn đến một giao dịch thắng lợi. Thoát vị thế với một lệnh dừng lỗ và có một giao dịch thua lỗ vẫn là một giao dịch tốt nếu nó nằm trong quy tắc của kế hoạch giao dịch.
Tình huống lý tưởng sẽ là thoát khỏi mọi giao dịch với lợi nhuận, nhưng điều đó không thực tế. Sử dụng một lệnh dừng lỗ bảo vệ giúp đảm bảo rằng các tổn thất và rủi ro được hạn chế.
Quy tắc 9: biết khi nào nên dừng giao dịch
Có hai lý do để ngừng giao dịch: một kế hoạch giao dịch không hiệu quả và một trader không hiệu quả.
Một kế hoạch giao dịch không hiệu quả được thể hiện bởi tổn thất lớn hơn nhiều so với dự đoán trong quá trình thử nghiệm. Điều đó có thể xảy ra. Thị trường có thể đã thay đổi, hoặc biến động có thể đã giảm bớt. Vì bất cứ lý do gì, kế hoạch giao dịch chỉ đơn giản là không mang lại hiệu quả như mong đợi.
Trader hãy giao dịch mà không để cảm xúc xen vào giống như đang vận hành một doanh nghiệp. Nếu kế hoạch không hiệu quả, đã đến lúc đánh giá lại kế hoạch giao dịch và thực hiện một vài thay đổi hoặc bắt đầu lại với một kế hoạch giao dịch mới.
Một kế hoạch giao dịch không hiệu quả là một vấn đề cần được giải quyết. Nó không nhất thiết là dấu chấm hết cho hoạt động giao dịch.
Một trader không hiệu quả là người lập kế hoạch giao dịch nhưng không thể thực hiện theo kế hoạch đó. Những vấn đề stress từ bên ngoài, thói quen xấu và hoạt động thể chất không đủ đều có thể góp phần dẫn đến tình trạng này. Một trader không ở trong tình trạng tốt nhất để giao dịch nên cân nhắc nghỉ ngơi một thời gian. Sau khi đã xử lý xong tất cả những khó khăn và thách thức kia, trader có thể quay trở lại hoạt động giao dịch của mình.
Quy tắc 10: giao dịch tùy theo bối cảnh
Hãy tập trung vào bức tranh lớn khi giao dịch. Một giao dịch thua lỗ không nên làm chúng ta ngạc nhiên; đó là một phần của hoạt động giao dịch. Một giao dịch thắng lợi cũng chỉ là một bước trên con đường dẫn đến một hoạt động kinh doanh có lãi. Chính lợi nhuận tích lũy mới tạo nên sự khác biệt.
Một khi một trader chấp nhận thắng và thua như một phần của hoạt động giao dịch, cảm xúc sẽ ít ảnh hưởng hơn đến hiệu suất giao dịch. Điều đó không có nghĩa là trader không được phép hào hứng với một giao dịch đặc biệt hiệu quả. Tuy nhiên, trader phải nhớ rằng một giao dịch thua lỗ không bao giờ là một điều quá xa vời.
Đặt mục tiêu thực tế là một phần thiết yếu của việc giao dịch theo bối cảnh. Hoạt động giao dịch của trader sẽ kiếm được lợi nhuận hợp lý trong một khoảng thời gian hợp lý. Nếu kỳ vọng trở thành triệu phú chỉ trong vài ngày, trader đang đặt mình vào một vị trí để thất bại.
Kết luận
Hiểu được tầm quan trọng của từng quy tắc giao dịch trên và cách chúng hoạt động cùng nhau có thể giúp trader thiết lập một hoạt động giao dịch bền vững. Giao dịch là công việc khó khăn, và các trader có đủ kỷ luật và sự kiên nhẫn để tuân theo các quy tắc trên có thể tăng xác suất thành công của họ trong đấu trường vô cùng cạnh tranh này.